Mới đây, Bộ GD&ĐT đã thu hồi văn bản thành lập hội đồng kỷ luật và thông báo xem xét kỷ luật 13 cán bộ của Bộ liên quan tới vụ gian lận thi cử kỳ thi THPT Quốc gia 2018 sau 20 ngày ký.
Điều khiến dư luận quan tâm, là thông tin cụ thể về hành vi sai phạm của các cán bộ này là gì.
Đứng đầu danh sách bị xem xét kỷ luật là ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT.
Trong phần mô tả "hành vi sai phạm" được đính kèm theo thông báo xem xét kỷ luật ban hành ngày 21/8 nêu: "Trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong việc để xảy ra những thiếu sót trong tham mưu, xây dựng, ban hành văn bản và chỉ đạo tổ chức kỳ thi, công tác tập huấn, quán triệt quy chế thi".
Ngoài ông Trinh, cũng có một số lãnh đạo đứng đầu vụ, cục bị "xem xét" với lý do "trách nhiệm của người đứng đầu" như ông Nguyễn Huy Bằng, bà Lê Thị Kim Dung; ông Nguyễn Sơn Hải. Những người này thuộc những đơn vị đã tham mưu, tư vấn xây dựng quy chế thi, thanh tra thi, tổ chức thi.
Một số cán bộ của Cục Quản lý chất lượng bị xem xét kỷ luật do liên quan tới các khâu tập huấn tổ chức thi, chấm thi.
Theo một cán bộ thanh tra của Bộ GD&ĐT, vì thanh tra Bộ GD&ĐT có 6/13 người rơi vào danh sách xem xét kỷ luật, bao gồm cả chánh và phó chánh thanh tra nên họ có kiến nghị bằng văn bản gửi bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Trong bản kiến nghị này họ nêu việc mình bị xem xét kỷ luật nhưng "không rõ hành vi vi phạm là hành vi nào, vi phạm điều nào trong văn bản nào?".
Về thủ tục, Bộ GD&ĐT đã không xác minh, đánh giá theo trình tự, quy trình đúng với quy định về xem xét kỷ luật tại nghị định số 34/2011/NĐ-CP của Chính phủ. Vì thế, các cán bộ đề nghị bộ trưởng phải ra quyết định rút lại các văn bản xem xét kỷ luật đối với 13 cán bộ.