Theo TS Adam Browning - bác sĩ bệnh viện Medina (Mỹ), đây là quá trình co thắt các cơ của bụng trên để kéo dạ dày vào bên trong. Việc hóp bụng thường xuyên sẽ làm thay đổi mô hình chuyển động của cơ bụng. Về lâu dài, nó sẽ dẫn đến sự mất cân bằng hay còn gọi là hội chứng đồng hồ cát.
Nếu giữ cơ thể trong tư thế hóp bụng liên tục sẽ kéo cơ hoành và xương sườn dưới vào bên trong. Điều này sẽ khiến vòng hai nhỏ hơn nhưng lại dẫn đến áp lực trong cơ thể không được phân tán đều. Từ đó, dẫn đến các vấn đề liên quan đến hệ hô hấp và về sàn chậu như rò rỉ, sa, giãn tràng đạo...
Hóp bụng sẽ khiến dạ dày có ít chỗ trống hơn cho xương sườn và phổi. Khi phổi không có không gian cần thiết để giãn nở sẽ khiến đường thở bị chậm nhịp, làm giảm lượng oxy lên đến 30%. Hóp bụng nhiều cũng dễ dẫn đến trào ngược dạ dày, đau cổ và lưng. Các vùng cơ ở giữa, lưng dưới chịu trách nhiệm nâng đỡ phần trên cơ thể. Tuy nhiên, động tác hóp bụng làm rối loạn cơ và hình thành nên cơn đau ở cổ, vai và lưng.
Hóp bụng diễn ra ở bụng, cơ hoành, nhưng cuối cùng cũng có thể ảnh hưởng đến cơ sàn chậu. Chúng có thể khiến gây rò rỉ nước tiểu trong các hoạt động hàng ngày như cười, ho hoặc hắt hơi.
Theo TS Adam Browning, hội chứng đồng hồ cát có thể được điều trị nhưng người mắc phải chúng sẽ cần thời gian dài để thích nghi. Người mắc chứng hóp bụng phải học thở bằng cơ hoành. Cơ hoành là một cơ lớn nằm bên dưới phổi, tim. Khi hít vào, cơ hoành sẽ co thắt lại, tạo ra nhiều không gian hơn trong lồng ngực để phổi nở ra. Khi thở ra, cơ hoành sẽ giãn nở, đẩy không khí ra ngoài.
Ngoài ra, phương pháp điều trị hội chứng đồng hồ cát chủ yếu là bài tập tư thế rắn hổ mang hoặc hải cẩu. Mục tiêu chính của bài tập này là tạo ra sự kích hoạt đúng của cơ hoành, giải phóng sự căng thẳng ở cơ bị quá tải ở bụng và lưng.