1,5 triệu em nhỏ được học và thực hành ATGT
Theo Honda Việt Nam, trong 3 ngày từ 11 - 13/8, công ty đã tổ chức hội thảo Tập huấn Hướng dẫn giáo dục an toàn giao thông (ATGT) – Triển khai chương trình “Tôi yêu Việt Nam” trong cấp học giáo dục mầm non năm học 2021 – 2022 cho gần 200 cán bộ quản lý và giáo viên các trường mầm non tại 23 tỉnh, thành phố. Cụ thể, ở Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng, Ninh Bình, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Hưng Yên, Phú Thọ, Đăk Lăk, Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Hà Tĩnh, Nghệ An, Bình Dương, Long An, Bình Thuận, Bến Tre.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ Chương trình hướng dẫn về ATGT mang tên “Tôi yêu Việt Nam” phiên bản mới “Vui giao thông” dành riêng cho các bé trong lứa tuổi mầm non. Hội thảo được tổ chức dưới hình thức họp trực tuyến (qua ứng dụng Microsoft Teams), nhằm thực hiện theo yêu cầu của Chính phủ về việc phòng chống dịch bệnh để đảm bảo an toàn và sức khỏe cho các cán bộ quản lý, thầy cô giáo và cộng đồng.
Tại buổi tập huấn, các cán bộ quản lý và giáo viên của các cơ sở giáo dục mầm non đã có cơ hội học tập, thảo luận những nội dung đào tạo mới. Đồng thời, cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy nội dung giáo dục ATGT cho các bé trong độ tuổi mầm non, nhằm nâng cao hiệu quả cũng như chất lượng dạy và học ATGT.
Bằng kiến thức mới tiếp nhận cùng kinh nghiệm sẵn có, các thầy/cô giáo sẽ tổ chức các giờ học trên lớp cùng các hoạt động ngoại khóa sôi nổi, bổ ích cho các bé. Dự kiến, sẽ có khoảng 1,5 triệu em nhỏ thuộc hơn 5.000 trường mầm non của 23 tỉnh, thành phố kể trên được học và thực hành với nội dung đào tạo về an toàn giao thông của “Tôi yêu Việt Nam” phiên bản hoàn toàn mới “Vui giao thông” trong năm học 2021 - 2022.
Honda Việt Nam hy vọng thông qua tập huấn, cán bộ quản lý và giáo viên của các cơ sở mầm non sẽ triển khai hiệu quả chương trình “Tôi yêu Việt Nam” nói riêng và hoạt động giáo dục ATGT cho trẻ em nói chung, từ đó, từng bước hình thành và nâng cao nhận thức của thế hệ tương lai về văn hóa tham gia giao thông an toàn, văn minh.
Liên tục cải tiến, đổi mới
Theo HVN, “Tôi Yêu Việt Nam” khởi đầu là chương trình hướng dẫn về ATGT và kỹ năng lái xe an toàn (LXAT) do HVN phối hợp triển khai với Ủy ban ATGT Quốc gia, Cục Cảnh sát Giao thông – Bộ Công an, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và chương trình được phát sóng trên truyền hình bắt đầu từ năm 2004.
Từ đó đến nay, chương trình đã liên tục được cải tiến, đổi mới về hình thức và nội dung phù hợp với thị hiếu của đông đảo khán giả cả nước nhằm đem đến những câu chuyện, hình ảnh chân thực về thực trạng giao thông tại Việt Nam cùng những bài học giao thông bổ ích, giúp người xem bổ sung kiến thức và kỹ năng để phòng tránh tai nạn khi tham gia giao thông, góp phần xây dựng một xã hội giao thông văn minh và an toàn.
Từ năm 2020, “Tôi Yêu Việt Nam” trở lại với phiên bản hoàn toàn mới “Vui giao thông”, tập trung vào lứa tuổi Mầm non, là độ tuổi hình thành nhận thức, yêu thích khám phá thế giới xung quanh và cũng bắt đầu tham gia giao thông. Theo đó, cùng với việc phát sóng trên truyền hình, HVN đã phối hợp với Bộ GD&ĐT triển khai thí điểm chương trình đào tạo trực tiếp tại 15 trường mầm non thuộc 5 tỉnh thành trong năm học 2020 - 2021.
Sau năm đầu tiên thực hiện, chương trình đã nhận được sự đánh giá cao của các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo và xã hội với kết quả rất khả quan với 76% trẻ có nhận thức về ATGT và 93% trẻ yêu thích chương trình. Tiếp nối thành công này, năm học 2021 - 2022, chương trình sẽ được triển khai mở rộng cho các em lứa tuổi mầm non tại 23 tỉnh/thành trên cả nước.
Chương trình thí điểm giáo dục ATGT “Tôi yêu Việt Nam” trong cấp học giáo dục mầm non năm học 2021 – 2022 được Vụ Giáo dục Mầm non – Bộ GD&ĐT phối hợp với HVN biên soạn dựa trên thực trạng tham gia giao thông của trẻ nhỏ và các kiến thức về giao thông và luật giao thông đường bộ hiện hành phù hợp với nhận thức của các bé với hình thức thể hiện sinh động thông qua bộ giáo cụ, các tập phim hoạt hình về ATGT, mô hình giao thông, bài nhạc giao thông, truyện tranh, sách tô màu... ngộ nghĩnh, vui nhộn và phương pháp giảng giải trực quan, hấp dẫn: trò chơi, tổ chức các cuộc thi, thảo luận, trò chuyện, sân khấu hóa, đọc thơ, kể chuyện, ca nhạc, trải nghiệm thực tế...