Đánh sập app trực tuyến để khỏi phải học
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến học sinh không thể đến trường, việc học tập bị gián đoạn. Để đối phó với tình hình dịch bệnh, đảm bảo tiến độ học tập, nhiều trường đã quyết định chuyển sang hình thức học trực tuyến nhờ các ứng dụng có sẵn như Zoom, Microsoft Teams, Shub Classroom...
Tuy nhiên, không phải học sinh nào cũng đón nhận phương pháp học này. Mới đây, nhiều học sinh đã thi nhau đánh giá 1 sao nhằm đánh sập ứng dụng.
Học sinh kêu gọi đánh sập app "vì một tương lai không phải học online". |
Cùng với đó là các bình luận: "; "Tự nhiên đang nghỉ dịch còn phải làm bài tập";"Học bù thì còn bắt học online làm gì"; "Ứng dụng rất tệ vì nó chạy mượt quá khiến cô giáo cứ bắt mình đi học hoài. Hy vọng sẽ gỡ xuống sớm"....
Các bình luận bày tỏ sự bức xúc khi phải học online. |
Thực tế, các app học tập như Zoom, Shub Classroom đã được sử dụng từ lâu và vẫn là công cụ đắc lực hỗ trợ việc học trực tuyến của các thầy cô.
Nhiều giáo viên cho biết, ngay khi học sinh phải nghỉ học do dịch Covid-19, họ đã chia sẻ ứng dụng Zoom cho nhau, hướng dẫn sử dụng và thấy rằng đây là một ứng dụng rất tốt cho việc học trực tuyến.
Việc đánh giá một sao nhằm đánh sập ứng dụng đã nhận được sự chỉ trích từ phía dư luận.
Một số bình luận bày tỏ, không hiểu sao các bạn lại làm như vậy. Nếu các bạn lười, không học, thì cũng không nên làm thế, để cho người khác còn học.
Nhiều ý kiến cho rằng, các bạn trẻ đã vô ý thức, đặc biệt là trong giai đoạn dịch Covidd-19, biết bao người đang nỗ lực và cần sự chung tay, thì việc làm đó không khác gì sự phá hoại, cho thấy sự ích kỷ của một bộ phận lớp trẻ.
Học trực tuyến cần sự giám sát của gia đình
Cô giáo Đặng Liễu, Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội chia sẻ, việc đánh sập app học trực tuyến để khỏi phải học là việc làm đáng bị phê phán. Tuy nhiên, từ sự việc này cũng đặt ra câu hỏi, vì sao học sinh lại làm như vậy?
Theo cô Liễu, ở nhiều trường, việc học trực tuyến các em đã được làm quen, nên khi dịch xảy ra, nhà trường triển khai học trực tuyến thì các em sẽ không thấy bỡ ngỡ.
Tuy nhiên, với những em chưa học trực tuyến bao giờ, thì sẽ mất thời gian đầu để thích nghi. Trong khi đó, kỳ nghỉ Tết kéo dài bất thường đã khiến nhiều em mất đi thói quen học hành. Thay vào đó là ngủ, xem tivi, thời gian sinh hoạt đảo lộn.
Có khi các em 12h trưa mới dậy, đêm lại thức tới 12 giờ đêm. Không vận động, ăn nhiều, giao tiếp giới hạn… khiến các em trở nên chậm chạp, lười biếng.
Giờ học trực tuyến và những phản hồi tích cực của học sinh Trường THPT Khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội), |
Chính vì thế, trong thời điểm này, cùng một lúc triển khai học trực tuyến, truyền hình, các giáo viên giao nhiều bài tập… thì sẽ dễ khiến các em bị ngợp. Đặc biệt là với các em thiếu sự tự giác, không có thói quen tự chủ trong học tập thì các em dễ chán, từ đó sinh ra các phản ứng tiêu cực. Và việc đánh giá một sao nhằm đánh sập app để khỏi phải học cũng nằm trong phản ứng như vậy.
Thực tế, vẫn có tình trạng học sinh vào điểm danh rồi tắt camera. Đến khi cô giáo gọi không được, lại phải nhờ bạn khác gọi thì mới nghe máy.
“Cho nên, đối với việc học trực tuyến, đòi hỏi ý thức của người học cực kỳ cao. Và cần có sự kiểm soát, hỗ trợ từ phía gia đình. Ví dụ, theo dõi vở ghi, việc làm bài tập của con; nếu có điều kiện thì giám sát giờ học trực tuyến của con… Đối với những em đã không có ý thức cao, gia đình lại không giám sát được, thì thầy cô giáo cũng sẽ rất khó để quản lý”, cô Liễu nói.
Ngoài ra, các thầy cô giáo, cha mẹ cũng cần có những chia sẻ để cho các em thấy, việc học online cũng là phương pháp học thích hợp trong thời điểm này, và đặc biệt trong thời đại 4.0, thì đây cũng là một phương pháp học để các em bắt nhịp được với thế giới.
Mới đây, nhà xuất bản ĐH Cambridge cho biết sẽ cung cấp nguồn giáo trình đại học miễn phí cho người học. Điều đó càng cho thấy rằng, không chỉ học offline mới là hữu hiệu, người học cần phải có sự thay đổi tư duy.
Nếu thụ động, chờ đợi, cơ hội sẽ trao cho người khác
Trao đổi với PV KH&ĐS về việc học trực tuyến, học trên truyền hình, cô giáo Nguyễn Hương Thủy, Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội, giáo viên đang thực hiện những giờ giảng môn Ngữ văn trên truyền hình cho biết, hiện nay, nguồn học liệu để cho các em tự học và bổ sung kiến thức rất phong phú.
Cô giáo Nguyễn Hương Thủy. |
Các em có thể thu nhận kiến thức không chỉ trên truyền hình mà còn trên mạng xã hội. Đó là chưa kể tuy ở nhà, nhưng học sinh vẫn có thể kết nối với các bạn, với giáo viên của mình, các chuyên gia.
Với một nguồn thông tin dồi dào như thế thì các em hoàn toàn có thể tự tin, đặc biệt là với các em cuối cấp, sắp sửa bước vào những kỳ thi quan trọng. Nhưng đó là với trường hợp các em có sự chủ động nắm lấy những cơ hội xung quanh mình.
Các em không chủ động thì không ai giúp được. Nếu thụ động chờ đợi sự dẫn dắt thì cơ hội sẽ mất.
Theo cô Hương Thủy, cuộc sống luôn luôn biến đổi, có những bài toán đặt ra. Mùa dịch này cũng chính là một bài toán. Dịch đang phức tạp, tuy nhiên không phải không có cách giải quyết, vẫn có lời giải cho bài toán đó.
Vấn đề là là những người trẻ trong thời đại 4.0, mình có thể nắm được các cơ hội cũng như những điều kiện đang có để nỗ lực tập trung và cố gắng để mà chủ động học tập hay không.
"Các em đừng nghĩ rằng chỉ đến trường thì mới học được. Đương nhiên đến trường thì có những điều kiện thuận tiện. Nhưng với thực tế đang diễn ra thì chúng ta vẫn hoàn toàn có thể học và học ở mọi điều kiện. Đứng từ góc độ giáo viên tôi thấy rằng, với sự thông minh và nhạy bén, tích cực của mình, các em hoàn toàn có thể chủ động trong việc học tập, vượt qua thử thách mùa dịch này", cô Hương Thủy.