Chiều 29/11, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, Thường trực Thành ủy đã xem xét báo cáo và cho ý kiến về kế hoạch đưa học sinh trở lại trường. Theo đó, học sinh khối 10, 11 và 12 và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên sẽ là nhóm tiếp theo đi học trực tiếp.
Trước mắt, kế hoạch này sẽ triển khai ở các xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã mức độ dịch cấp độ 1 và 2; trong 14 ngày, tính đến 30/11, không có ca F0 cộng đồng. Thời gian thực hiện là đầu tháng 12, có thể từ thứ hai tuần sau, ngày 6/12.
Quyết định mở cửa trường học được xem xét thận trọng dựa trên mức độ dịch, độ phủ văcxin với học sinh và kinh nghiệm mở cửa các trường trước đó. Từ 23/11, Hà Nội đã tổ chức tiêm văcxin phòng Covid-19 cho người 15 đến 17 tuổi, trong đó phần lớn là học sinh THPT. Đến nay, tỷ lệ tiêm đạt hơn 90%.
Tuy nhiên ông Dũng nhấn mạnh: "Việc đưa học sinh trở lại trường học trong bối cảnh như vậy phải được chuẩn bị thật kỹ, bảo đảm có nguyên tắc và luôn đặt vấn đề an toàn sức khỏe của học sinh lên trên hết".
Các trường học trước hết phải đạt yêu cầu an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT và Sở Y tế. Giáo viên chưa tiêm đủ 2 mũi văcxin phòng Covid-19 chỉ được dạy trực tuyến, không tổ chức ăn bán trú, căng tin ăn uống trong trường, học sinh tự mang theo nước uống cá nhân. Các trường cũng chỉ tổ chức việc dạy học trực tiếp một buổi mỗi ngày.
Trong quá trình tổ chức dạy học trực tiếp, nếu xảy ra các trường hợp liên quan đến vấn đề dịch tễ, không bảo đảm an toàn trong phòng, chống Covid-19, các trường phải dừng học trực tiếp để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh.
Ngoài việc dạy học trực tiếp cho học sinh lớp 9 và khối THPT, Bí thư Thành ủy cũng yêu cầu ngành Giáo dục theo dõi sát tình hình dạy và học trực tuyến của các khối THCS và tiểu học, phối hợp cùng ngành Y tế đảm bảo tiến độ tiêm văcxin cho trẻ 12 đến 15 tuổi, đồng thời lên phương án đón học sinh THCS trở lại trường trong thời gian sớm nhất, có thể tiếp ngay sau khối THPT.