Học phí online, giảm bao nhiêu là hợp lý?

(khoahocdoisong.vn) - Nhiều phụ huynh cho rằng, học phí online giảm còn từ 75% so với học trực tiếp là quá cao, trong khi đó, các trường lại có những cách lý giải riêng.

Phụ huynh bức xúc học phí online quá cao

Từ cuối tháng 7 và đầu tháng 8, nhiều trường ngoài công lập ở Hà Nội đã cho học sinh học onlne. Và cũng đã có thông báo với phụ huynh về mức học phí online. Theo tìm hiểu của phóng viên, đa số mức học phí online được giảm, còn khoảng từ 75% so với học phí học trực tiếp.

Trong thông báo gửi tới các phụ huynh về mức giảm học phí, Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh cho biết, khối 6, 7, 10 và 11 sẽ thu 75% so với mức phí hiện nay. Khối 8, 9 và 12 mức phí giảm còn 2.000.000đ/tháng. Thời gian giảm mức phí năm học 2021 - 2022 tính từ tháng 7/2021 đến khi kết thức học trực tuyến.

Theo nhà trường, quyết định giảm học phí này như một sự chia sẻ của Quỹ cha mẹ học sinh trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19.

Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, Trường Newton giảm mức học phí còn 75%. Một số trường có mức giảm còn 80% như Trường Tiểu học Archimede Acamedy…

Trên nhiều diễn đàn, các phụ huynh bày tỏ sự bức xúc đối với mức học phí này, khi chất lượng học online không thể bằng trực tiếp, nhiều hoạt động ngoại khóa bị cắt giảm.

Phản ánh tới Báo, một phụ huynh đang có con theo học tại Trường Tiểu học - THCS - THPT Newton (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, khi học sinh không đến trường, nhà trường đã tiết kiệm được rất nhiều các chi phí, như điện, nước, hao mòn cơ sở vật chất… Nhiều hoạt động ngoại khóa không thực hiện được. Chất lượng học trực tuyến không thể bằng trực tiếp. Ngoài ra, trong hoàn cảnh dịch bệnh, rất nhiều gia đình bị cắt giảm thu nhập hoặc thất nghiệp. Chính vì vậy, việc nhà trường vẫn thu 75% học phí online so với học trực tiếp là bất hợp lý, không thể hiện sự chia sẻ của nhà trường tới các phụ huynh. Một số phụ huynh kiến nghị, cần giảm học phí xuống mức 50%.

Cần sự đồng thuận, chia sẻ từ hai phía

Trao đổi với phóng viên về chất lượng học trực tuyến và mức thu học phí online thế nào là hợp lý, thầy giáo Đàm Tiến Nam, Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy cho biết, khi tổ chức dạy online, công việc của thầy cô giáo và của lãnh đạo nhà trường rất vất vả, thậm chí là vất vả hơn so với dạy trực tiếp.

Bởi vì, dạy trực tuyến bao gồm phải chuẩn bị bài theo phương thức mới, từ nội dung, cách thức, trình bày, cách thức tương tác, tổ chức hoạt động dạy học cũng phải khác.

Dạy trực tuyến để đảm bảo được chất lượng, hiệu quả, cuốn hút được học sinh là cả một nghệ thuật, phải đầu tư rất nhiều tâm sức (dạy trên lớp cũng là một nghệ thuật, cũng cần bỏ tâm sức, nhưng dạy trực tuyến có những đặc thù riêng).

Đặc biệt, để đảm bảo được chất lượng của việc dạy thì nhà trường cũng phải đầu tư nền tảng dạy trực tuyến tốt. Ví dụ, phải mua phần mềm để mở các lớp học trực tuyến, có người quản lý, tổ chức các lớp, các buổi… Nếu sử dụng nền tảng miễn phí sẽ không thế quản lý được hoạt động dạy học một cách bài bản.

Trong giai đoạn dịch bệnh này, nhà trường cũng rất chia sẻ khó khăn với phụ huynh học sinh, việc điều chỉnh giảm học phí online ở mức 10%, 20% hay nhiều hơn nữa là dựa trên tính toán của từng trường. Chẳng hạn, đối với những hoạt động khi học trực tuyến học sinh không sử dụng đến thì phải cắt giảm.

Khi học sinh không đến trường, chi phí cho việc sử dụng điện, nước sẽ giảm, tuy nhiên, nếu tính chung cho cả trường, thì số tiền đó cũng chỉ là phần rất nhỏ.

Quan trọng là cách tổ chức của nhà trường thế nào, chất lượng day trực tuyến ra sao. Điều này, phụ thuộc vào việc tổ chức dạy học và đội ngũ giáo viên của từng trường. Phụ huynh cần xem số giờ dạy, các nội dung ở trong chương trình như đã cam kết, nhà trường có thực hiện đầy đủ hay không và đảm bảo tiến độ chương trình, lịch trình năm học hay không.

Chất lượng dạy học trực tuyến thể hiện ngay qua các kỳ thi. Ví dụ, năm vừa rồi, các em thi vào 10 và thi tốt nghiệp THPT cũng đều phải ôn tập trực tuyến, nhưng kết quả không thay đổi. Kiểm tra đánh giá phải căn cứ vào kết quả chung.

Ông Nam cho biết, đối với Trường THCS – THPT học phí online giảm còn 80%. Đối với những trường hợp phụ huynh có khó khăn, nhà trường sẽ xem xét để có sự hỗ trợ ở các mức khác nhau. Ví dụ, đối với những phụ huynh làm nghề dịch vụ, khi dịch xảy ra sẽ bị ảnh hưởng tới thu nhập, sẽ được hỗ trợ nhiều hơn. Đó là sự chia sẻ với phụ huynh của nhà trường.

Sự chia sẻ ở đây đến từ hai phía. Nhà trường cố hết sức để đảm bảo thực hiện được tiến độ chương trình và chất lượng việc học, để việc học tập không bị đứt đoạn. Dịch bệnh chưa biết có thể kéo dài đến bao giờ. Nếu để việc học tập dừng lại quá lâu sẽ ảnh hưởng tới tâm lý, nếp học tập của học sinh. Dù học trực tiếp hay trực tuyến thì vẫn cần có sự đồng hành của phụ huynh học sinh với nhà trường.

Một số lãnh đạo các trường ngoài công lập cũng cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh, các trường cũng gặp nhiều khó khăn về tài chính, cần có sự chia sẻ, đồng lòng từ phía các phụ huynh.

Liên quan đến vấn đề học phí, ngày 4/8, Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ sở giáo dục và đào tạo về việc thực hiện chia sẻ khó khăn, hỗ trợ học sinh, sinh viên và phụ huynh trong tình hình dịch bệnh Covid-19.

Đối với việc triển khai dạy học trực tuyến, đề nghị các địa phương và cơ sở giáo dục cần căn cứ các công văn, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT để tính toán xác định mức thu hợp lý trên cơ sở triển khai thực tế công tác dạy học theo nguyên tắc chia sẻ khó khăn chung giữa cơ sở giáo dục với phụ huynh học sinh trong tình hình dịch bệnh và công khai minh bạch.

Bên cạnh các chính sách miễn, giảm học phí; hỗ trợ chi phí học tập theo các quy định của Nhà nước, các bộ ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu và chỉ đạo các cơ sở giáo dục kêu gọi và huy động các nguồn lực của xã hội để có các chính sách hỗ trợ thêm như: miễn, giảm, giãn thời gian đóng học phí và các khoản thu dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo cho các học sinh, sinh viên và gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong năm học 2021 - 2022.

Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top