Đi học để quay về vườn ruộng
Anh Bùi Văn Cương ở xã Đông Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình sinh ra trong gia đình nghèo. Ngay từ nhỏ, Cương đã một buổi đến lớp, một buổi lên nương cùng mẹ. Chính từ những tháng ngày vất vả này, tình yêu với đất đai, vườn tược, với nghề nông lớn dần trong anh.
Tuy nhiên, chứng kiến mẹ, chị và em gái phát nương, làm rẫy từ lúc gà gáy tinh mơ đến lúc mặt trời lặn mà vẫn thiếu ăn, Cương rất trăn trở về việc làm sao phải phát triển được kinh tế từ cây trồng.
“Lúc đó trong đầu tôi đã hình thành suy nghĩ, phải chuyển đổi cây trồng, thay đổi cách làm thì mới hy vọng hết cảnh đứt bữa. Tuy nhiên, lúc đó, tôi không thể tự mình trả lời những câu hỏi như trồng cây gì? chăm bón cây như thế nào?
Tôi nghĩ, chỉ có con đường học hành mới giúp tôi được điều đó. Do đó, học xong THCS, tôi xin gia đình đi học trường trung cấp nghề về nông nghiệp”, anh Cương chia sẻ.
May mắn, quyết định của anh được gia đình ủng hộ. Mẹ anh, bà Bùi Thị Hợi, thấy con chăm làm, thích trồng cây, lại xin đi học nghề nông nên bà đồng ý.
“Để cho con đi học được cũng là quyết tâm lắm. Hồi đấy, kinh tế gia đình còn khó khăn. Có lần, con trai về xin tiền nộp học phí, có 600 ngàn….mà tôi phải vay mượn, chạy chợ mấy hôm mới có”, bà Hợi bùi ngùi nhớ lại.
Mang trong lòng quyết tâm học kiến thức để về làm giàu trên chính quê hương của mình, nhưng càng học Cương càng thấy làm nông nghiệp không đơn giản như chỉ là chuyện cày cuốc, gieo hạt, tưới nước…
Tốt nghiệp trường trung cấp nghề năm 2005, anh quyết định học liên thông lên Đại học Nông nghiệp ở Hà Nội với nung nấu, sẽ có thêm thật nhiều kiến thức về nông nghiệp để khi trở về, nhất định sẽ thay đổi được kinh tế cho gia đình mình, cho quê hương.
Sau khi tốt nghiệp đại học, trở về quê, anh quyết tâm thay đổi cách làm cũ. Việc đầu tiên, là anh vay 50 triệu từ Ngân hàng nông nghiệp, đầu tư trồng 170 gốc bưởi Diễn.
Anh Cương tự tay chăm bón cây như một người nông dân thực thụ. |
Sau 5 năm được chăm bón, 170 gốc bưởi ra trái, giúp anh Cương thu về khoảng 400 triệu tiền lãi. Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang, 3 năm sau đó, anh lại thất thu bởi bưởi ra hoa nhưng không đậu trái.
Trước tình thế đó, anh Cương bèn bàn với vợ vay mượn, chuyển hướng trồng cam lòng vàng.
Từ thất bại của cây bưởi, anh đã rút kinh nghiệm, nên năm 2014, hơn 2 ha cam lòng vàng lại đem về cho anh hơn 400 triệu đồng.
Anh đã được hái trái ngọt từ chính những nỗ lực của mình. |
Anh tiếp tục mở rộng trồng thêm gần 3 nghìn mét vuông cam Canh. Từ đó đến nay, cả hai loại cây đều phát triển tốt và cho năng suất cao. Năm ngoái anh bán ra khoảng 10 tấn cam Canh, 15 tấn cam lòng vàng. Năm nay, số tiền thu được từ bán cam ước đạt gần tỷ đồng.
Sống là cho đi…
Điều tuyệt vời nhất đối với anh Cương, không chỉ là mang lại cuộc sống ấm no, được làm giàu trên chính mảnh đất cha ông mình để lại, mà còn “lôi kéo” người khác “giàu theo”, không hề giấu bí kíp làm giàu cho riêng mình.
“Khi tôi đi học, cây trồng chính ở vùng này vẫn chủ yếu là cây ngắn ngày như mía tím và mía trắng, hiệu quả kinh tế thấp.
Khi có chủ trương của huyện chuyển đổi cây trồng, tôi mạnh dạn áp dụng, nhưng bà con ngần ngại, nói rằng sẽ khó thành công. Đến khi thấy tôi bán được cam với giá 35.000đ/kg, thu về hàng trăm triệu đồng, thì bà con bắt đầu tin tưởng và làm theo”, anh Cương chia sẻ.
Trong số những hộ chuyển đổi thành công, có anh Bùi Đức Sinh. Nhắc tới anh Cương, anh Sinh không giấu nổi sự xúc động: “Ngay từ khi biết tôi có ý định chuyển đổi, anh Cương đã chủ động sang thăm vườn và tư vấn cho tôi về cách thức chăm bón.
Ví dụ đợt nào bón phân nào, thời điểm nào phun thuốc… Anh ấy được học qua trường lớp, có kiến thức nên khác hẳn chúng tôi bỡ ngỡ, dò dẫm,
Ngoài ra, anh Cương còn hỗ trợ phân bón và giúp đỡ bà con về cây giống lúc ban đầu”,, anh Sinh nói.
Cũng như anh Sinh, anh Bùi Xuân Tư đã chuyển đổi gần 1 ha từ trồng mía sang trồng 800 gốc cam các loại.
Với sự nỗ lực và tấm lòng của mình, anh Cương đã góp phần làm cho Đông Phong – nơi được coi là thủ phủ của cam Cao Phong làm nên thương hiệu của loại cam này.
Điều đặc biệt nữa, là anh Cương còn là người tiên phong xin hiến hơn 1 nghìn mét vuông đất thổ cư và đất vườn để thực hiện chủ trương “nhà nước và nhân dân cùng làm đường nông thôn mới”.
Anh Cương còn dành thời gian đến từng nhà – nơi con đường chạy qua để vận động các gia đình cùng “góp công, góp của” làm đường.
Nhờ có “ngọn lửa tiên phong” là anh, cùng sự góp công góp sức của người dân, mà đến nay, đường bê tông đã vào tận từng nhà.
Anh Cương chia sẻ, điều hạnh phúc nhất đối với anh bây giờ, chính là đã đạt được điều mà anh đã tâm niệm. Đó là đem những kiến thức đã học được về để áp dụng, làm cho bộ mặt quê hương mình đổi mới.
“Mỗi người học đại học sẽ có những ước mơ khác nhau. Nhưng theo tôi, nếu xác định được rõ mục đích của việc học, cộng thêm đam mê, quyết tâm, thì khả năng thành công sẽ cao hơn”, anh Cương chia sẻ.
Và đặc biệt, từ chính những sự "cho đi" của mình, anh đã nhận lại được rất nhiều. Đó là niềm tin, tình cảm của bà con trong vùng, làm cuộc sống mỗi ngày có ý nghĩa hơn.
Trao đổi với KH&ĐS về vấn đề học liên thông đại học, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Quân cho biết, nếu phân luồng sớm thì ở tuổi 18, 19 nhiều em đã có bằng trung cấp, cao đẳng và gia nhập thị trường lao động. Sau này các em có thể học tiếp lên đại học nếu có nhu cầu. Phụ huynh cần thay đổi tư duy. Thay vì chỉ lo con đỗ hay trượt THPT thì có thể cho con đi học nghề kết hợp với học văn hóa, rồi sau đó vẫn có thể học lên.