Thăm khám cho thai phụ.
Hỏi: Con dâu tôi có thai 7 tháng, tự dưng thấy hoa mắt, chóng mặt, phù chân, đi khám bác sĩ nói, nhiễm độc thai nghén phải nhập viện. Xin hỏi, sao lại nhiễm độc thai nghén muộn, có nguy hiểm gì tới mẹ và con không?
Nguyễn Thị Minh (Hà Nội)
BS Phó Đức Nhuận, Nguyên trưởng khoa Sản, Bệnh viện Phụ Sản TƯ: Nhiễm độc thai nghén là tình trạng bệnh lý do thai nghén gây nên. Có khoảng 10% các bà mẹ mang thai bị nhiễm độc thai nghén muộn với các triệu chứng sau: cao huyết áp, phù nề chi dưới hoặc phù toàn thân, trong nước tiểu có chất protein.
Con bà thai đã được 7 tháng nên gọi là nhiễm độc thai nghén muộn nghĩa là nhiễm độc thai nghén 3 tháng cuối. Đây là cách gọi để phân biệt với nhiễm độc thai nghén sớm xảy ra ở giai đoạn đầu của thai nghén, biểu hiện chủ yếu là nôn mửa rất nặng.
Nhiễm độc thai nghén muộn, có thể làm thai nhi bị suy dinh dưỡng, chậm phát triển, có thể bị chết khi còn trong tử cung. Với mẹ, nhiễm độc thai nghén có thể dẫn tới sản giật, rau bong non gây nguy hiểm tới tính mạng.
Nếu qua khỏi được các biến chứng này vẫn có thể để lại di chứng bệnh về sau như: cao huyết áp, viêm thận, mù mắt (do chảy máu đáy mắt), liệt nửa người (do tai biến mạch máu não). Để phát hiện sớm, người mẹ cần đi khám thai thường xuyên để được hướng dẫn cách hạn chế bệnh phát triển và điều trị kịp thời tránh tai biến cho cả mẹ và con.
Thúy Nga (ghi)