Hỗ trợ người dân của TPHCM vẫn gặp khó

Đến nay, công tác hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19 tại TP. HCM đến nay vẫn gặp nhiều khó khăn.

Ngày 22/9, Thường trực HĐND TPHCM đã ban hành Nghị quyết 97 về chính sách hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong thời gian giãn cách xã hội kéo dài trên địa bàn TPHCM (gói hỗ trợ lần 3).

Gói hỗ trợ lần 3 dự kiến hỗ trợ hơn 7,3 triệu người dân có hoàn cảnh khó khăn, không phân biệt thường trú, tạm trú hay lưu trú. Mức hỗ trợ là 1 triệu đồng/người. Quy mô hỗ trợ là hơn 7.347 tỷ đồng.

Như vậy, người dân TP. HCM đến nay đã được hưởng các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, Nghị quyết 09 và Nghị quyết 97 của HĐND TP.HCM.

Theo UBND TPHCM, qua thống kê, trên địa bàn thành phố có gần 2 triệu hộ lao động có hoàn cảnh khó khăn (với hơn 6 triệu nhân khẩu), gần 1 triệu người lao động mất việc, không có thu nhập, đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng thật sự khó khăn rất cần được hỗ trợ kịp thời về kinh phí, thực phẩm để trang trải cuộc sống trong thời gian giãn cách xã hội kéo dài.

Để đảm bảo hỗ trợ được công bằng, tất cả sự hỗ trợ đều tính theo người, không tính theo hộ dân. Từng khu phố, ấp sẽ thành lập tổ công tác để xét duyệt danh sách người có hoàn cảnh khó khăn. Các xã, phường, thị trấn lập hội đồng xét duyệt với đầy đủ thành phần để xét duyệt và chịu trách nhiệm về mặt pháp lý, về tính chính xác danh sách hỗ trợ.

Ngày 1/10, công tác chi tiền hỗ trợ đợt 3 theo Nghị quyết 97 đã được nhiều quận, huyện tại TP.HCM đã đồng thực hiện.

Tuy nhiên, tại kỳ họp thứ 3 HĐND TP.HCM khóa X, UBMTTQVN TP.HCM cho biết đến nay việc chi trả này còn gặp nhiều khó khăn. Việc triển khai lập danh sách chưa đồng bộ, mẫu thường xuyên thay đổi gây khó khăn cho cơ sở.

Mặt khác, việc lập danh sách để cập nhật vào phần mềm còn nhiều sai sót, xử lý chậm nên ảnh hưởng đến tiến độ chi hỗ trợ.

Ngoài ra, còn tình trạng lợi dụng việc thực hiện chính sách phòng, chống dịch để trục lợi, gây mất niềm tin trong nhân dân.

Theo Nghị quyết 97, có 5 nhóm được hỗ trợ bao gồm:

Nhóm 1: Thành viên trong hộ nghèo, hộ cận nghèo; người thuộc diện hưởng chế độ trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng đang gặp khó khăn.

Nhóm 2: Người lao động có hoàn cảnh thật sự khó khăn bị mất việc làm, không có thu nhập trong thời gian giãn cách xã hội đang thực tế có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn (bao gồm người đang cách ly tập trung, đang trị bệnh…).

Nhóm 3: Người phụ thuộc của nhóm 2. Cụ thể là cha, mẹ, vợ hoặc chồng và các con ở nhà nội trợ hoặc không có khả năng làm việc, sống phụ thuộc trong cùng một hộ đang có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn (bao gồm người đang cách ly tập trung, đang trị bệnh...).

Nhóm 4: Cha, mẹ, vợ/chồng, con của những người đang hưởng lương hưu, người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động, đang tham gia BHXH và được doanh nghiệp trả lương tháng 8-2021 mà có hoàn cảnh khó khăn (ở nhà làm nội trợ, hoặc không có khả năng làm việc, sống phụ thuộc, bao gồm người đang cách ly tập trung, đang trị bệnh…) sống cùng một hộ và đang có mặt ở TPHCM.

Nhóm 5: Người lưu trú tạm thời trong các khu nhà trọ, khu lưu trú, khu lao động nghèo, xóm nghèo, có hoàn cảnh thật sự khó khăn trong thời gian TPHCM thực hiện giãn cách và đang có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn.

Gói hỗ trợ lần 3 không hỗ trợ đối với người đang hưởng lương hưu, người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động, người lao động đang tham gia BHXH và được doanh nghiệp trả lương của tháng 8-2021. Tuy nhiên, người phụ thuộc của những người trên mà có hoàn cảnh thực sự khó khăn thì được hỗ trợ (nhóm 4).

Theo Đời sống
"Bùng nổ" thương mại điện tử ở nông thôn

"Bùng nổ" thương mại điện tử ở nông thôn

Báo cáo nghiên cứu vừa công bố của J&T Express cho thấy, thói quen mua sắm trực tuyến của người Việt phát triển mạnh mẽ trong dịch và duy trì khá bền vững sau đó. Đáng chú ý, nhu cầu mua sắm trên các sàn thương mại điện tử không chỉ ở các thành phố lớn mà đang "bùng nổ" ở nông thôn.
back to top