Hydro không tan trong nước và không tồn tại được lâu trong nước, do đó sử dụng máy lọc nước tạo kiềm (nước giàu hydro) cần hiểu rõ nguyên lý để có lựa chọn phù hợp.
Nước uống trẻ lâu, chống oxy hóa?
Hiện trên thị trường, dòng máy lọc nước tạo kiềm hay còn gọi là nước giàu hydro đang được bán với giá khá cao, có những chiếc lên đến hàng trăm triệu đồng. Loại máy này đa phần được nhập khẩu từ các nước như Nhật Bản, Mỹ. Sản phẩm trong nước có giá thành thấp hơn một chút, nhưng cũng được quảng cáo là nước giàu hydro với rất nhiều tác dụng như thải bỏ độc tố, chống lão hóa, bổ sung khoáng chất, hydro cho cơ thể. Loại sản phẩm này có thực sự mang nhiều tác dụng thần kỳ như quảng cáo?
Theo PGS.TS Phạm Văn Nho, Trung tâm Vật lý Ứng dụng của Đại học Quốc gia Hà Nội, một số nước như Nhật Bản có sản xuất loại máy sử dụng công nghệ điện phân cho ra dòng nước giàu H+ hay còn gọi là nước giàu kiềm. Tuy vậy chỉ nước ở đầu vòi lọc mới có H+, sau một thời gian rất ngắn là hydro trong nước cũng bay đi. Người ta gọi là máy lọc nước ion kiềm, cho ra nước lọc có độ pH từ thấp đến cao. Đúng là loại nước này tốt cho sức khỏe và công nghệ ấy là hoàn toàn có cơ sở khoa học, tuy vậy khi áp dụng ở Việt Nam thì máy nhanh hỏng do chất lượng nước đầu vào không đảm bảo. Bởi để đảm bảo tạo ra môi trường kiềm với giàu hydro thì nước đầu vào phải đảm bảo các tiêu chuẩn rất cao. Hiện nước máy ở Việt Nam chưa thể đáp ứng được yêu cầu này. Do đó, rất khó duy trì được hiệu quả của máy lâu dài, tuổi thọ của máy cũng sẽ không cao.
“Ở một số công nghệ tiên tiến, người ta sử dụng các điện cực đối lập nhau để tạo ra ion hydro, hay còn gọi là nước giàu hydro. Nhưng để tạo ra hydro trong nước, người ta có nhiều cách. Một trong những cách đơn giản nhất cho nhôm vào trong kiềm là tạo ra khí hydro giống như khí để bơm bóng bay. Như thế khi nước được lọc ra, hydro đã bay hơi hết, nhưng các chất kèm theo nó lại không biết là những chất gì để có thể kiểm soát. Vấn đề sẽ là nghiêm trọng với sức khỏe nếu cách làm này còn tồn dư những chất không có lợi”, PGS.TS Phạm Văn Nho cho biết.
Chưa có nghiên cứu chính thức
PGS.TS Trần Hồng Côn, khoa Hóa, ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội khẳng định, oxy có thể tan trong nước, nhưng hydro thì không. Hydro không tan trong nước, và nếu có tồn tại thì chỉ trong một thời gian rất ngắn, hydro sẽ bay hơi hết ngay. Do đó trong khoa học, chưa có tài liệu nào nói về loại nước giàu hydro, cũng chưa có nghiên cứu chính thức, bài bản nào. Do đó, cũng không có loại nước uống thần kỳ có thể chống được lão hóa hay thải độc như nhiều nơi vẫn quảng cáo. Người tiêu dùng nên cân nhắc kỹ việc mua những chiếc máy lọc nước này bởi nhiều khi công nghệ là một chuyện, lý thuyết là một chuyện, khi đưa vào thực tế lại có muôn hình vạn trạng khác nhau.
“Người ta có thể dùng phản ứng nhôm trong suốt tạo ra hydro để làm bóng bay thì được, nhưng dùng nó tạo ra hydro để uống là có nhiều vấn đề không ổn. Nếu doanh nghiệp nào sản xuất nước giàu hydro mà quảng cáo công nghệ như thế thì các nhà khoa học cảm thấy rất băn khoăn. Tôi cho rằng cần phải thành lập một hội đồng các nhà khoa học làm rõ điều này. Chứ cứ để những thông tin như thế này rất có hại cho người dân”, PGS.TS Phạm Văn Nho chia sẻ.
Các chuyên gia y tế không chắc chắn về việc liệu nước giàu hydro có tác dụng thần kỳ hay không. Đến nay cũng chưa có một nghiên cứu nào về lượng hydro cần thiết để đem đến lợi ích cho trị liệu và lượng nước hydro bạn phải uống để có lợi cho sức khoẻ. Trong khi, lượng hydro trong các sản phẩm nước uống khác nhau cũng rất khác nhau và không có quy định nào để chuẩn hóa các công thức, chủ yếu là vì không có cơ sở khoa học vững chắc để xác định mức độ hydro cần thiết. Do vậy, nước uống tốt nhất vẫn là nước sạch, được đảm bảo diệt khuẩn bằng đun sôi để nguội.