Hay ốm do thiếu kẽm

Nên bổ sung các thực phẩm giàu kẽm như tôm đồng, lươn, hàu, sò, gan lợn, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá, đậu nành, các hạt có dầu, giá đỗ để có thể đủ kẽm cho cơ thể.

Hỏi: Tôi sinh cháu hơi nhẹ cân (2,6kg) nên khó nuôi. Cháu bú ít, không bú bình mà thích ăn bằng thìa. Ban đêm cháu ngủ không sâu giấc, thức dậy nhiều lần nên cả hai mẹ con đều mệt. Hôm nào cháu quấy nhiều thì hôm sau ốm. Tôi cho cháu đi khám, bác sĩ nói hệ miễn dịch kém, khuyên mẹ cho con bú hoàn toàn, ngoài ra mẹ phải tăng cường ăn thực phẩm giàu kẽm, tại sao như vậy ?

Vũ Thúy Hòa (Đại La, HN)

Đậu nành giàu kẽm.

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Viện phó Viện Dinh dưỡng cho biết, kẽm giúp phát triển và duy trì hoạt động hiệu quả của hệ thống miễn dịch, cần thiết cho việc bảo vệ cơ thể trước bệnh tật. Trẻ thiếu kẽm làm giảm phát triển và chức năng của hầu hết các tế bào miễn dịch, bao gồm cả tế bào T, tế bào B và đại thực bào. Trên chuột bị thiếu kẽm còn thấy thiểu sản lách, tuyến ức và giảm sản xuất các globulin miễn dịch, bao gồm cả IgA, IgM và IgG. Hiện tượng hoạt hóa đại thực bào và hiện tượng thực bào bị suy giảm cũng được nhận thấy ở cả súc vật thí nghiệm và trẻ em bị thiếu kẽm. Do đó thiếu kẽm làm tổn thương chức năng miễn dịch, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, từ đó làm giảm tăng trưởng, phát triển của trẻ, làm tăng nguy cơ bị suy dinh dưỡng.

Cháu mới sinh nên cho bú hoàn toàn bằng sữa mẹ vì sữa mẹ cung cấp nhiều kẽm nhất. Lượng kẽm trong sữa mẹ ở tháng đầu tiên là cao nhất (2- 3 mg/lít), sau 3 tháng thì giảm dần còn 0,9mg/l. Lượng kẽm mà người mẹ mất qua sữa trong 3 tháng đầu ước tính khoảng 1,4 mg/ngày. Do đó, nên thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và kéo dài tới 2 tuổi.

Với mẹ, nên bổ sung các thực phẩm giàu kẽm như tôm đồng, lươn, hàu, sò, gan lợn, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá, đậu nành, các hạt có dầu, giá đỗ để có thể đủ kẽm cho cả mẹ và con.

PV ghi

Theo Đời sống
back to top