Hải Phòng thành vùng đỏ, phương án nào cho người dân về quê đón Tết?

Hải Phòng thành vùng đỏ, nhiều người dân lo lắng sẽ khó khăn trong việc về quê đón Tết.

Theo công bố của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hải Phòng ngày 8/1, toàn thành phố Hải Phòng đã trở thành vùng có nguy cơ rất cao về dịch Covid-19 (vùng đỏ) sau khi 131/218 xã, phường chuyển cấp độ 4.

Điều này khiến nhiều người dân lo lắng liên quan đến việc sẽ trở về quê đón Tết thế nào.

hai-phong-vung-do.jpg
Nhiều hàng quán ở Hải Phòng chuyển sang hình thức bán mang về.

Trao đổi về việc này,  Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Khắc Nam cho biết, so với quy chuẩn chung, Hải Phòng chưa đến mức phải áp dụng vùng đỏ cho toàn thành phố. Tuy nhiên, chính quyền đã quyết định nâng lên một cấp để phòng, chống dịch.

Lý do là vì, Hải Phòng là địa phương có 5 hệ thống giao thông bao gồm: Cảng biển; cảng, tuyến đường sông; đường sắt; hàng không và đường bộ. Thứ hai, thủy thủ nước ngoài đến Hải Phòng nhiều, khi biến chủng Omicron đang diễn biến khó lường. Bên cạnh đó, người tỉnh, thành khác về Hải Phòng lao động cũng rất nhiều. Hơn nữa, từ khi thực hiện Nghị quyết 128, người dân lơ là, chủ quan.

Vì thế, khả năng lây, bùng phát dịch bệnh trên địa bàn thành phố cảng biển lớn nhất cả nước là rất lớn. "Chúng tôi có chỉ đạo nâng lên một cấp để hạn chế mức lây lan dịch bệnh”, ông Nam nói.

Đối với việc di chuyển của người dân về Hải Phòng ăn Tết khi thành phố siết chặt hoạt động, ông Nam thừa nhận sẽ ảnh hưởng song thành phố đã có giải pháp như những nơi còn vùng xanh (cấp độ 1) thì vẫn cho các bến xe hoạt động.

Tuy nhiên, điều này sẽ dẫn đến việc người dân di chuyển từ vùng đỏ sang vùng xanh. Theo ông Nam, thực hiện Nghị quyết 128, thành phố không cấm người dân và chỉ tuyên truyền là chính. Khi số ca mắc giảm, chuyển biến tích cực, thành phố sẽ có những điều chỉnh nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt để người dân vui Tết, đón Xuân.

Ông Phạm Văn Huy, Phó giám đốc Sở GTVT Hải Phòng, cho biết cơ quan này ghi nhận những tâm tư, phản ánh của các hãng xe, người dân qua báo chí.

“Chúng tôi đã chỉ đạo đơn vị liên quan tham mưu nhằm có phương án sáng mai báo cáo thành phố để điều chỉnh, tạo thuận lợi cho người dân”, ông Huy nói.

Theo Đời sống
Việc miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên UBND bằng hình thức biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín. (Ảnh minh hoạ).

Hà Nội và TPHCM có không quá 5 phó chủ tịch UBND

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa ký xác thực Văn bản hợp nhất ban hành Nghị định quy định số lượng phó chủ tịch UBND và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên UBND.
back to top