Ông Nguyễn Minh Sương và bà Trần Thị Kim Liên
Hát cho nhau nghe
Ông Nguyễn Minh Sương năm nay 81 tuổi, trước đây ông công tác trong ngành công an. Năm 1999, khi ông đã về hưu cũng là lúc CLB Văn hóa quan họ Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội thành lập, ông được mời là chủ nhiệm. Bởi ông sinh ra ở làng Châm Khê (còn gọi là làng Bùi), một trong những làng quan họ nổi tiếng của Bắc Ninh.
Lúc đầu chỉ có 8 người đứng lên tổ chức, tất cả đều là những người yêu thích và tâm huyết với quan họ. Đến nay CLB đã có tới gần 60 người tham gia. Có những người từ Phú Xuyên, Đan Phượng, Sóc Sơn…, xa như vậy mà một tháng 3 buổi sinh hoạt của CLB cũng không bỏ buổi nào, vẫn đi xe buýt 2-3 tiếng, đến tham gia.
Ngoài tập hát, giao lưu, biểu diễn, CLB còn thường xuyên tổ chức các chuyến đi tham quan kết hợp biểu diễn, thường là mỗi tháng một lần đi xa. Đến các đền, chùa, các di tích lịch sử, đoàn lại tổ chức biểu diễn, được rất nhiều người hưởng ứng.
Mới đây CLB vừa tham quan khu di tích Bạch Đằng Giang (Hải Phòng). Vừa được tham quan di tích lịch sử, được tìm hiểu về truyền thống hào hùng của dân tộc, vừa được làm lễ bày tỏ lòng thành kính với các bậc anh hùng dân tộc, lại được biểu diễn quan họ, hát cho nhau nghe và hát cho mọi người nghe, nên ai cũng phấn khởi.
Không những thế, suốt mấy tiếng đi trên xe, mọi người vẫn thi nhau hát. Hát cho quên mệt mỏi, hát cho đường xa hóa gần.
Quan họ là tao nhã và lịch lãm
Với ông Sinh, quan họ đã ngấm vào máu rồi bởi vì từ khi còn bé ông đã được nghe mẹ hát, đã được lớn lên trong không khí quan họ. Đặc biệt, niềm say mê của ông còn được truyền sang cả bà Trần Thị Kim Liên, vợ ông.
Năm nay 76 tuổi, bà đã cùng ông tham gia CLB văn hóa quan họ từ những ngày đầu và còn là phó chủ nhiệm CLB. Quan họ đã gắn bó hai ông bà, khiến họ đến tuổi này rồi mà vẫn tâm đầu ý hợp, đi đâu cũng có nhau, ríu rít như đôi chim câu. Bà Liên chia sẻ, từ khi tham gia CLB bà thấy người khỏe lên, trẻ ra, lúc nào cũng thấy vui vẻ, yêu đời. Quên cả ốm đau, tuổi tác, bệnh tật.
Bà cho tôi xem những bức ảnh chụp mỗi lần CLB đi biểu diễn. Những áo tứ thân đủ sắc màu, những khăn mỏ quạ, nón quai thao, những áo the khăn xếp…
Bà bảo, hát quan họ là phải mặc đúng quần áo quan họ, có nón, có ô thì mới ra đúng chất quan họ. Mỗi lần có giao lưu, biểu diễn trên sân khấu là mọi người rất vui, tự mua sắm trang phục biểu diễn, ai cũng muốn hát, muốn được nghe nhau hát.
Quan họ là một nét văn hóa cổ truyền của dân tộc. Từ ca từ đến các làn điệu, có cái gì đó tao nhã, lịch lãm, tình tứ và đặc biệt liền anh liền chị hát với nhau là giao duyên chứ không giao tình, vì thế nó có nét tế nhị, sâu sắc. Sống trong không khí quan họ là được đắm mình trong sự tao nhã, lịch lãm đó. Đã nghe rồi, đã biết hát rồi là say như điếu đổ.
Theo ông Nguyễn Minh Sương, để CLB văn hóa quan họ tồn tại và phát triển được 18 năm qua, một phần là vì bản thân quan họ đã có sức hấp dẫn, sức truyền cảm đến tâm hồn con người ta, nhưng một phần cũng là do cách tổ chức CLB khiến mọi người thêm gắn bó với nhau, thêm hiểu và yêu mến loại hình nghệ thuật này.
Với ông, sự thành công của CLB vừa là nguồn vui vừa là niềm tâm đắc của ông.
Còn những người yêu quan họ, say quan họ như ông bà Minh Sương, thì chắc chắn loại hình nghệ thuật này còn sẽ tồn tại và phát triển.
Tuệ Minh