Hải mã trị khó chửa

Hải mã có vị ngọt, mặn, tính ấm  không độc, đi vào kinh thận . Có công năng làm tráng dương, kích thích sinh dục, gây hưng phấn, làm ấm thủy tạng, trị đau bụng do khí huyết, dùng ch phụ nữ khó chửa hoặc có chửa mà đẻ khó.
hải mã

Hải mã

Hải mã (cá ngựa, hải long, thủy mã) là  loài cá  sống ở các  vùng biển, có thân hình hơi dẹt, dài và cong. Toàn thân dài khoảng 15 – 20 cm, có khi hơn; phần phình to ở giữa thân rộng từ 2 – 4 cm; màu vàng nhạt hoặc nâu đen.

Thân và đuôi chia thành các ô hình chữ nhật, các ô này được tạo bởi các đốt xương vòng song song; ở đỉnh các đốt thân có các gai nhọn, thân có 7 gờ dọc, đuôi cuộn lại ở cuối và chỉ có 4 gờ. Đầu hơi giống hình đầu ngựa, giữa đầu có các gai to nhô lên. Miệng dài như một cái vòi, không có răng, hai mắt lõm sâu. Thể nhẹ, chất xương, cứng rắn, hơi có mùi tanh, vị hơi mặn. Cá ngựa loại to, đầu đuôi đầy đủ, không có sâu mọt là loại tốt.

Theo Đông y, hải mã có vị ngọt, tính ấm, mùi tanh, không độc, đi vào thận kinh. Có công năng làm tráng dương, kích thích sinh dục, gây hưng phấn, làm ấm thủy tạng, trị đau bụng do khí huyết.

Tác dụng giúp giao hợp lâu (ích phòng sự, tráng dương tạo). Chủ trị yếu sinh lý ở nam giới, liệt dương, phụ nữ chậm có con do dương khí suy hoặc có chửa mà đẻ khó. Ngoài ra, còn dùng trong chữa hen suyễn, thở khò khè, tiểu són, trị viêm thận mạn tính…

Nghiên cứu hiện đại cho thấy, thành phần hoá học chính trong hải mã là: Protid, lipid. Các chất ly trích tử hải mã bằng alcohol có hoạt tính kéo dài thời gian rụng trứng, tăng trọng lượng của tử cung và buồng trứng nơi chuột cái thử nghiệm. Chất này có các hoạt động loại androgen trên các tuyến nhiếp hộ và dịch hoàn.

Cách dùng: Liều dùng từ 6 – 12g dạng thuốc sấy vàng tán bột hoặc sắc uống.

GS.TS Dương Trọng Hiếu (Viện Y học cổ truyền TW)

Theo Đời sống
back to top