Hai bài thuốc phục hồi tránh tái phát viêm phổi

(khoahocdoisong.vn) - Có 2 bài thuốc để phục hồi sức khỏe với hai trạng thái bệnh viêm phổi khác nhau, đã được sử dụng trong những năm gần đây cho thấy hiệu quả rõ rệt.

Tư bổ phế thận âm hư thang: Thục địa hoàng 15g, sa sâm 12g, bạch linh 12g, cam thảo 5g, hoài sơn 5g, mạch môn 10g, ngũ vị 5g, cát cánh 15g, đương quy thân 10g, dĩ mễ 15g, mạch nha 15g, đỗ trọng 15g, bạch thược 6g, táo nhân sao 15g, viễn chí chế 8g, bối mẫu 12g, đơn bì 8g, ngân hoa 10g, hoàng cầm 6g, hồng hoa 8g, đào nhân 6g, cúc hoa 10g, bách bộ 10g, đại táo12g, sơn thù du 8g.

Một thang thuốc sắc uống 3 ngày (đựng thuốc vào phích con). Mỗi ngày sắc 2 lần, mỗi lần lấy nửa bát, rồi chia ra mỗi ngày uống từ 2 đến 3 lần. Ngày hôm sau lại sắc tiếp như vậy. Ngày thứ ba sắc một lần vì thuốc đã loãng. Buổi sáng uống sau điểm tâm một tiếng. Chiều 4 - 5 giờ, tối trước khi đi ngủ. Mỗi lần uống chừng một chén nhỏ (50ml), không nên uống quá nhiều, còn để thuốc ngấm dần. Sau khi uống 5 hoặc 10 thang thì tạm nghỉ một thời gian 15 ngày, nếu có triệu chứng gì thì sẽ gia giảm thêm. Ví dụ người còn mệt, gia thêm đẳng sâm 15g và có thể uống tiếp 5 - 10 thang là nghỉ được.

Tính năng của vị thuốc: Đương quy thân, thục địa, bạch thược, tư âm bổ huyết kiêm bình can, bổ phế thận âm; Sa sâm, bạch linh tư bổ phế âm, tiêu đàm; Hoài sơn, mạch nha dĩ mễ bổ phế kiện tỳ (tỳ thổ sinh phế kim) tiêu thực; Ngân hoa, hoàng cầm, mạch môn, ngũ vị, cát cánh, bối mẫu, bách bộ, tư âm, nhuận phế, sinh tân tân dịch; Chỉ khái tiêu đàm, thông lợi đường họng, chữa di chứng (dư tà), phế bị tổn thương; Tảo nhân, viễn chí, đại táo an thần, định trí ngủ ngon giấc; Đơn bì, cúc hoa, đỗ trọng bổ gan thận, minh mục, cường gân cốt; Hồng hoa, đào nhân hoạt huyết, chữa “dư tà” phòng “hậu hoạn”; Cam thảo điều hòa các vị thuốc.

Tỳ, phế, thận, dương hư: Phế khí hư, thận dương hư, phần nhiều bệnh lâu ngày làm cho hai tạng, phế và thận bị hao tổn. Có triệu chứng ho, khí đoản (hụt hơi, ngắn hơi), tự ra mồ hôi, sợ lạnh, chân tay lạnh hoặc phù thũng, người mỏi mệt, thiểu lực, ngủ kém, ăn kém chậm tiêu đầy trướng bụng. Đại tiện lỏng hoặc nát, hay đi phân lỏng vào buổi sáng sớm (ngũ canh tiết tả). Bởi tỳ chủ vận hóa, đưa khí tinh vi (chất bổ dưỡng) của đồ ăn uống lên phế để dinh dưỡng toàn thân. Hai tạng này (tỳ phế) có quan hệ rất mật thiết với nhau, ảnh hưởng lẫn nhau, cho nên hay tạng cùng bị bệnh. Lưỡi nhạt non, rêu trắng, mạch hư hoặc hư sác. Trên lâm sàng thường điều trị tư bổ tỳ ích phế, tỳ khí vượng thì phế khí dễ phục hồi, tức là phép bồi thổ sinh kim. Còn tỳ thận dương hư như trên đã nói. Lưỡi nhạt bệu, rêu trắng trơn, mạch hư đại hoặc tế nhược hoặc trầm nhược. Phần nhiều do thận dương hư suy, không ôn dưỡng được tỳ dương dẫn đến tỳ dương hư lâu, không vận hóa được tinh khí của nước và đồ ăn để bổ sung tư dưỡng cho thận, liền dẫn đến thận dương cũng hư. Điều trị nên ôn bổ tỳ, phế, thận.

Bài thuốc gồm: Phòng đẳng sâm 20g, chích cam thảo 5g, sa nhân 5, liên nhục sao 15g khiếm thực 15g, phá cố chỉ sao 8g, cát cánh 12g, đỗ trọng 16g, long nhãn 10g, đại táo 12g, can khương 3g, bạch truật sao 16g, trần bì 10g, hoàng kỳ 15g, mạch nha sao 15g, hoài sơn sao 16g, ích chí nhân 6g, xuyên bối mẫu 10g, cẩu tích 15g, viễn chí chế 8g, bạch linh 15g, mộc hương 5g.

Cách uống như bài thuốc thứ nhất. Uống thuốc lúc còn ấm, nóng. Trong thời gian uống thuốc, kiêng các đồ ăn tanh như cá mè, tôm, cua, ốc, hến trai. Không uống rượu bia. Nếu người nào uống bài thuốc số 1 phải kiêng cả các loại chim trời, đồ nướng rán. Đặc biệt, sau viêm phổi bất kể là dạng nào đều phải kiêng phòng sự, nếu không sẽ khiến cho tinh khô tủy kiệt, phế khí suy nhược, thần suy và dẫn đến hư lao (đây chính là hậu hoạn), rất khó chữa.

Xin nhớ lời dạy của Đại y thiền sư Tuệ Tĩnh về dưỡng sinh: “Bế tinh, dưỡng khí, tôn thần...”. Bế tinh là giữ gìn tinh khí - tinh dịch. Vì đây là nhựa sống của con người. Dưỡng khí là bảo vệ nguyên khí của cơ thể. Nguyên khí vững thì cơ thể vững. Trong đó có thận khí, phế khí và tỳ khí. Tôn thần là ổn định và giữ gìn tinh thần, tránh lo nghĩ lung tung, ảnh hưởng đến tâm thần và sức khỏe sau viêm phổi đã được chữa khỏi.

TTND.Lương y giỏi Trần Văn Quảng (Hội Đông y Việt Nam)

Theo Đời sống
Hà Nội: Ca mắc rubella đầu tiên đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng bệnh

Bệnh rubella nguy hiểm thế nào?

Rubella là bệnh truyền nhiễm do vi rút Alphavirust genus và Rubivirus genus gây ra. Bệnh rubella có tính lây truyền cao dễ gây thành dịch lớn và đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai.
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top