Không đau và khởi phát ở bất kỳ vị trí nào trong cơ thể
U lympho ác tính là cụm từ chung để chỉ các ung thư có nguồn gốc từ hệ bạch huyết.
Hệ bạch huyết là một mạng lưới gồm các ống chia nhánh giống như các mạch máu, tỏa khắp cơ thể, gọi là bạch mạch. Bạch mạch có chất dịch gần như trong suốt gọi là bạch huyết lưu thông ở trong và mang các tế bào lympho là các tế bào có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể. Dọc trên đường đi của hệ bạch huyết có các cơ quan nhỏ hình hạt đậu gọi là hạch bạch huyết. Các hạch này tập trung thành đám ở nách, bẹn, cổ, trong ngực và ổ bụng. Những cơ quan khác của hệ bạch huyết gồm lá lách, tuyến ức, amidan và tủy xương. Các mô bạch huyết cũng nằm ở một số nơi trong cơ thể như dạ dày, ruột và da.
Do hệ bạch huyết có mặt ở khắp cơ thể, u lympho ác tính không Hodgkin có thể khởi phát ở bất kỳ vị trí nào. Bệnh có thể xảy ra ở một hạch, một nhóm hạch hoặc bất kỳ cơ quan nào. Loại ung thư này có thể lan tràn đến mọi bộ phận của cơ thể trong đó có gan, tủy xương và lá lách…
Tại Việt Nam, năm 2018 có hơn 3.500 trường hợp mới mắc (chiếm gần 2,3%) và hơn 2.100 trường hợp tử vong, đứng hàng thứ 14 trong các loại ung thư. Tỷ lệ mắc u lympho ở nước ta theo tuổi là 5,2/100.000 dân. Bệnh gặp ở nam nhiều hơn nữ. Tỷ lệ mắc bệnh cao ở các nhóm tuổi 35-40 và 50-55, tuổi trung bình 50-60 tuổi.
U lympho ác tính có 2 loại: không Hodgkin và Hodgkin. Trong đó, loại không Hodgkin thường gặp hơn và nhiều gấp 5 lần u ác tính Hodgkin. Biểu hiện thường thấy của bệnh là: Hạch to, không đau (ở cổ, nách hoặc bẹn…); sốt không tìm được nguyên nhân, ra mồ hôi về đêm, mệt mỏi thường xuyên, sụt cân, ngứa, các mảng ửng đỏ trên da; thỉnh thoảng có trường hợp buồn nôn, nôn, đau bụng…Khi u tiến triển, khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể giảm.
Tuy vậy, các triệu chứng nói trên không phải là biểu hiện chắc chắn của u lympho ác tính không Hodgkin. Các triệu chứng này cũng có thể do các bệnh không nghiêm trọng khác như cúm hoặc các nhiễm trùng. Khi có các triệu chứng này nên đi khám ngay tại các cơ sở y tế và tốt nhất là các bệnh viện chuyên về ung bướu để chẩn đoán và điều trị sớm. Bất kỳ bệnh nào dù cúm hay ung thư, điều trị sớm đều tốt hơn để muộn.
Trên 50% người bệnh có tiên lượng tốt
Trong vài thập kỷ gần đây, tỷ lệ mắc u lympho ác tính không Hodgkin đã tăng lên đáng kể. Các yếu tố nguy cơ gồm:
Hệ thống miễn dịch bị suy yếu: u lympho ác tính không Hodgkin hay gặp hơn ở người suy giảm miễn dịch, các bệnh tự miễn, những người nhiễm HIV/AIDS và những người dùng thuốc ức chế miễn dịch sau ghép tạng.
Virus: Các virus T- lymphotropic trên người loại I (HTLV - 1) và virus Epstein – Barr có thể làm tăng nguy cơ bị u lympho ác tính không Hodgkin.
Môi trường: Những người làm việc trong môi trường có nhiều chất hóa học như thuốc trừ sâu, phân bón, các loại dung môi có nguy cơ bị u lympho ác tính không Hodgkin cao hơn.
Khi có biểu hiện nghi ngờ cần đi khám ngay. Khi bệnh được xác định, bác sĩ sẽ đánh giá giai đoạn bệnh (mức độ lan rộng của bệnh).
Phương pháp điều trị bệnh được chỉ định trên từng người bệnh cụ thể. Khoảng trên 50% số người bệnh này có tiên lượng tốt.
ThS Trần Anh (Bệnh viện K)