Mùi quen thuộc
Bà Nguyễn Thị M. 57 tuổi, Thanh Sơn, Phú Thọ nhập viện trong tình trang có u ở ngực. Từ năm trước, bà M. đã sờ thấy ở ngực có cục bằng hạt lạc nhưng bà ngại không đi khám và mặc kệ vì thấy u không đau, không nhức gì cả.
Gần đây, ngực trái thường xuyên chảy dịch lạ, bà M. và con gái tới bệnh viện kiểm tra. Bà M. điếng người khi bác sĩ chẩn đoán bị ung thư vú giai đoạn 3. Bác sĩ cho biết khối u to nên phải mổ cắt bỏ u vú hoàn toàn. Khi hỏi về tác nhận ung thư, sàng lọc trong gia đình cả chồng và 2 người con trai đều hút thuốc lá. Bà M. kể vì chồng con hút thuốc nên mùi thuốc trở thành mùi quen thuộc trong căn nhà cấp 4 của gia đình.
Vợ chồng bà không ngờ chính mùi thuốc lá đã thúc đẩy căn bệnh ung thư vú của mình.
Trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Thị B., nữ, 68 tuổi, nhập viện vì sưng to vú phải. Trước đó, bà B. nhân tự sờ thấy khối u vú phải, bệnh nhân đến khám tại bệnh viện K trung ương được chẩn đoán ung thư vú phải, có chỉ định phẫu thuật nhưng bệnh nhân từ chối điều trị, về nhà tự sử dụng thuốc nam.
Tuy nhiên sau đó bệnh nhân thấy khối u vú phải sưng to, đau, nề đỏ kèm theo chảy dịch máu. Bệnh nhân đến khám tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai để điều trị.
Khi đến bệnh viện, bà B. đã có hạch cảnh cao hai bên kích thước 0,5 x 1 cm, di động. Hạch thượng đòn kích thước 1 x 2 cm, mật độ cứng chắc, di động hạn chế. Hạch nách phải kích thước 1x 2 cm, mật độ chắc, di động hạn chế. Bác sĩ chẩn đoán ung thư vú phải di căn hạch, T4N3M0, giai đoạn IIIB.
Chồng bà B. mới qua đời vì ung thư phổi. Hai vợ chồng bà B. cùng nghiện thuốc lào và đến khi chồng mắc bệnh bà mới biết hút thuốc cũng là tác nhân gây ung thư. Bà B. đã bỏ thuốc lào được 2 năm nhưng cuối cùng vẫn bị ung thư vú.
Những ai có nguy cơ mắc
PGS.TS Phạm Cẩm Phương – Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) Ung thư vú là bệnh ung thư hay gặp nhất ở phụ nữ và là nguyên nhân gây tử vong thứ hai sau ung thư phổi tại các nước trên thế giới. Theo GLOBOCAN năm 2018, trên toàn thế giới có 2 088 849 trường hợp ung thư vú mới mắc (chiếm 11,6% trong tổng số tất cả các loại ung thư ở cả hai giới) và 626 679 trường hợp tử vong do ung thư. Tại Việt Nam, theo nghiên cứu gánh nặng bệnh ung thư và chiến lược phòng chống ung thư quốc gia đến năm 2020 cho thấy ung thư là bệnh có tỷ lệ mới mắc cao nhất trong các ung thư ở nữ giới.
Về nguyên nhân ung thư vú, theo bác sĩ Phương tính đến nay chưa thể khẳng định 100% nguyên nhân gây ra bệnh ung thư vú là gì.
Tuy nhiên, theo PGS Phương, phụ nữ có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư vú là người có tiền sử bị chiếu xạ ở vùng ngực, những chị em từng bị ung thư vú một bên trước đó có nguy cơ mắc bệnh bên còn lại... Ngoài ra, người có tiền sử gia đình (có bà, mẹ, chị, em) từng mắc ung thư vú cũng có nguy cơ mắc bệnh cao.
“Ung thư vú là bệnh lý có liên quan đến di truyền, chiếm khoảng 5-10%. Hầu hết các trường hợp ung thư vú di truyền có liên quan đến 2 gen BRCA1 và BRCA2 là các gen ức chế khối u.
Phụ nữ có gen BRCA1 và BRCA2 đột biến di truyền có nguy cơ phát triển đến 75% ung thư vú và 20-40% ung thư buồng trứng. Hiện nay, việc xét nghiệm đột biến gen BRCA1 và BRCA2 để sàng lọc, tiên lượng và lựa chọn phác đồ điều trị phù hợp nhằm kiểm soát sự phát triển của ung thư vú và ung thư buồng trứng”, PGS Phương phân tích.
Một vấn đề PGS Phương đặc biệt lưu ý đó là việc chị em hút thuốc lá hoặc hít phải khói thuốc lá (hút thuốc thụ động) từ người xung quanh cũng có nguy cơ cao mắc phải các bệnh ung thư vú nói riêng và các căn bệnh ung thư nói chung.
Để phòng và phát hiện sớm bệnh ung thư vú, PGS Phạm Cẩm Phương cho rằng phụ nữ ngoài 40 tuổi cần phải tầm soát ung thư vú định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm/1 lần. Ngoài ra, hàng tháng nên tự kiểm tra vú của mình để phát hiện những bất thường, từ đó đi khám sớm để dự phòng.
Trong cuộc sống hàng ngày, nên có chế độ ăn uống hợp lý, thường xuyên vận động, tập thể dục. Đặc biệt, phụ nữ nên sinh con trước tuổi 35 và tuyệt đối không hoặc tránh xa khói thuốc lá.
Điều trị ung thư vú là phối hợp điều trị đa mô thức: phẫu thuật, xạ trị, hóa chất, điều trị nội tiết, điều trị đích bằng kháng thể đơn dòng (trastuzumab, pertuzumab..), các thuốc ức chế tyrosin kinase (lapatinib, sunitinib…) đang được nghiên cứu và sử dụng.
Theo K.Chi (Infonet)