Tỷ lệ tử vong cao nhưng tái nhập viện thấp
Suy tim là tình trạng bệnh lý trong đó tim không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu oxy cho các hoạt động của cơ thể. Dựa vào diễn biến của bệnh, suy tim được chia thành hai thể là suy tim cấp và suy tim mạn tính. Suy tim cấp là tình trạng nặng lên các dấu hiệu, triệu chứng suy tim, có thể đột ngột hoặc từ từ tăng dần khiến người bệnh phải nhập viện cấp cứu.
Suy tim cấp có thể là suy tim mới xuất hiện, cũng có thể là đợt tiến triển nặng lên của suy tim mạn tính gọi là đợt cấp mất bù của suy tim. So với đợt cấp mất bù suy tim, suy tim cấp mới khởi phát có tỷ lệ tử vong khi nhập viện cao hơn nhưng tử vong sau khi xuất viện và tỷ lệ tái nhập viện thấp hơn.
Suy tim cấp là nguyên nhân hàng đầu nhập viện ở những người bệnh trên 65 tuổi, tỷ lệ tử vong khi nhập viện 4 - 10%, tỷ lệ tử vong 1 năm sau xuất viện lên đến 25 - 30%.
Người bệnh suy tim cấp cần được đánh giá chính xác, khẩn trương; nhằm khởi động kịp thời các biện pháp điều trị tích cực bao gồm liệu pháp đường tĩnh mạch (thuốc vận mạch, lợi tiểu, tăng co bóp cơ tim…) hoặc các hỗ trợ cấp cứu tim mạch chuyên sâu.
Người bệnh suy tim cấp được hỗ trợ máy thở không xâm nhập do suy hô hấp nặng - Ảnh BSCC |
Các dấu hiệu nhận biết suy tim cấp
Tùy thuộc vào bệnh cảnh, suy tim cấp có thể có các biểu hiện như sau:
Suy tim cấp mới xuất hiện: thường khởi phát nhanh, cơ tim không đủ thời gian để thích nghi, vì thế các biểu hiện thường rầm rộ, người bệnh có thể nhanh chóng tiến triển đến tình trạng suy hô hấp cấp, sốc tim.
Các triệu chứng của suy tim cấp: mệt mỏi, khó thở, thở nhanh, xảy ra ở nhiều mức độ; nếu tình trạng suy tim nặng, người bệnh khó thở liên tục, vật vã, kích thích, ngồi dậy để thở, cảm giác thiếu oxy như “chết đuối trên cạn”, gọi là cơn phù phổi cấp. Ý thức có thể vật vã kích thích hoặc lơ mơ khi tình trạng thiếu oxy não nghiêm trọng. Chân tay lạnh ẩm, nổi vân tím toàn thân. Huyết áp khó đo, bắt mạch nhanh nhỏ.
Các triệu chứng của nguyên nhân gây suy tim cấp: đau ngực trái do nhồi máu cơ tim, sốt kéo dài thiếu máu nếu do nhiễm khuẩn (viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn)…
Các triệu chứng, dấu hiệu của suy tim cấp - Ảnh BSCC |
Suy tim cấp trên nền mạn tính: bệnh nhân đã được chẩn đoán suy tim trước đây, với các triệu chứng khó thở khi gắng sức, mệt mỏi, phù chân, đau tức ngực. Các triệu chứng này sau khi điều trị thuốc theo đơn có thể thuyên giảm hoặc mất đi.
Các dấu hiệu gợi ý đợt cấp suy tim mạn tính: Người bệnh có thể thấy khó thở tăng lên, khả năng gắng sức giảm đi so với thường ngày, mệt nhiều lên thậm chí khi nghỉ ngơi. Phù hai chân, trắng, mềm, đôi lúc kín đáo như đi dép, đi tất thấy chật hơn, diễn biến tăng dần. Đi tiểu ít đi. Ho khan, đặc biệt khi thay đổi tư thế, cảm giác tức nặng ngực do tràn dịch màng phổi.
Theo dõi cân nặng có thể thấy tăng cân nhanh chóng, nếu tăng trên 2kg trong vòng 1 tuần là dấu hiệu cảnh báo cần phải đi khám ngay. Người bệnh còn có thể thấy đầy bụng, bụng trướng, ăn uống kém, buồn nôn.
Nếu tình trạng nặng lên, xuất hiện khó thở liên tục, không nằm được đầu bằng, phải kê cao gối, thậm chí đang ngủ phải ngồi dậy để thở; có thể thấy chân tay lạnh, nổi vân tím khi tim suy quá nặng dẫn đến huyết áp tụt và không đảm bảo tưới máu cho các cơ quan.
Biểu hiện suy hô hấp nặng, phù phổi cấp như đã mô tả trên sẽ xảy ra nếu không được can thiệp y tế kịp thời.
Các triệu chứng của nguyên nhân mất bù: nhiễm trùng, sốt, đau ngực trái, hoặc đo thấy huyết áp tăng cao, đường máu cao.
Cách kiểm tra phù chân tại nhà: ấn vào vùng mu chân hoặc mắt cá chân thấy vùng da tương ứng lõm xuống - Ảnh BSCC |
Nguyên nhân suy tim cấp
Nguyên nhân suy tim cấp mới khởi phát:
- Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn tức là tình trạng nhiễm khuẩn màng trong tim và các van tim, gây biến chứng hở các van tim cấp tính.
- Nhồi máu cơ tim cấp do tắc đột ngột mạch máu nuôi tim, khiến vùng cơ tim tương ứng có nguy cơ hoại tử, thường xảy ra ở những người có nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch như hút thuốc lá nhiều năm, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, thể trạng béo phì, ít vận động.
- Nhồi máu cơ tim cấp gây ra các biến chứng nguy hiểm như thủng vách liên thất, đứt dây chằng van tim, vỡ thành tim.
- Viêm cơ tim cấp gây tổn thương cơ tim cấp tính.
- Tắc động mạch phổi cấp gây suy tim phải cấp.
Nguyên nhân gây mất bù suy tim mạn tính:
-Hội chứng động mạch vành cấp tính, dẫn đến tổn thương thiếu máu cơ tim cấp, khởi phát tình trạng suy tim cấp.
- Rối loạn nhịp tim: Nhịp tim quá nhanh hoặc quá chậm đều có thể làm tình trạng suy tim nặng lên do mất cân bằng cung - cầu oxy cho cơ tim.
- Bệnh lý nhiễm trùng: viêm phổi, đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
- Thiếu máu.
- Suy thận tăng lên.
- Không tuân thủ chế độ ăn, tự ý bỏ thuốc.
Điều trị suy tim cấp tuyệt đối không điều chỉnh thuốc đang dùng
Khi có các dấu hiệu gợi ý suy tim cấp, người bệnh tuyệt đối không tự điều chỉnh các thuốc đang dùng, có thể dẫn đến nguy hiểm tính mạng. Ví dụ, tiếp tục dùng thuốc hạ huyết áp trong khi huyết áp đang thấp, thuốc chẹn beta giao cảm trong khi nhịp tim chậm, huyết áp tụt, khó thở nhiều hoặc dùng các thuốc có nguy cơ tăng kali máu trong khi đang ở trong tình trạng suy thận cấp.
Người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhà để được đánh giá các dấu hiệu nguy hiểm của suy tim cấp nhằm can thiệp kịp thời, cũng như có các điều trị đặc hiệu nguyên nhân gây ra suy tim cấp.
Về cơ bản điều trị suy tim cấp gồm hai vấn đề chính: một là, ổn định huyết động, hai là, tìm và giải quyết các nguyên nhân gây ra suy tim cấp.
Ổn định huyết động:
- Liệu pháp Oxy: từ oxy kính mũi, đến oxy mask. Nếu người bệnh không đáp ứng có thể xem xét hỗ trợ thông khí nhân tạo như thở máy không xâm nhập hoặc đặt ống nội khí quản thở máy xâm nhập
- Nếu huyết áp thấp, tưới máu cho các cơ quan giảm: sử dụng các thuốc vận mạch, các thuốc tăng co bóp cơ tim để nâng huyết áp.
- Đánh giá tình trạng sung huyết: Sử dụng lợi tiểu đường tĩnh mạch, chọc hút dịch màng phổi, dịch ổ bụng nếu có.
-Nếu không dung nạp với điều trị nội khoa, có thể cần phải xem xét hỗ trợ khác: lọc máu liên tục, tuần hoàn ngoài cơ thể.
Điều trị nguyên nhân gây suy tim cấp:
- Tùy nguyên nhân của suy tim cấp để đưa ra phương pháp điều trị:
- Nếu nguyên nhân có hội chứng động mạch vành cấp, sau khi ổn định huyết động, xem xét tái tưới máu cơ tim.
- Nếu do viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn gây biến chứng hở van tim cấp cứu không dung nạp với điều trị nội khoa cần xem xét phẫu thuật.
- Xem xét tiêu sợi huyết hoặc lấy huyết khối qua đường ống thông ở bệnh nhân tắc mạch phổi có sốc tim hoặc tiến triển xấu đi qua thời gian theo dõi.
- Điều trị các bệnh lý nhiễm trùng kèm theo.
Suy tim cấp là một tình trạng cấp cứu, người bệnh cần phải được đánh giá và xử trí kịp thời tại các đơn vị cấp cứu tránh diễn biến nặng lên, tiến triển thành sốc tim, thậm chí tử vong.
Vì vậy, người bệnh cần nắm được các dấu hiệu, triệu chứng của suy tim cấp để phát hiện sớm và đến các cơ sở y tế kịp thời để tránh biến chứng nguy hiểm.
TS.BS Phạm Minh Tuấn (Bệnh viện Bạch Mai)