GS.NGƯT Phùng Văn Tửu – người thầy mẫu mực, 'huyền thoại'

“Mẫu mực”, đó là từ mà nhiều thế hệ sinh viên dành cho GS.NGƯT Phùng Văn Tửu khi nhắc tới ông với những tình cảm trân trọng, biết ơn và cả “hâm mộ”.

Luôn yêu cầu sinh viên xưng “tôi”

Một trong những điều đặc biệt trong giờ dạy của GS.NGƯT Phùng Văn Tửu, đó là ông luôn yêu cầu sinh viên xưng “tôi” với giảng viên. Mới đầu, nhiều sinh viên bỡ ngỡ, ngại ngùng, vẫn xưng “em”, ông yêu cầu ngồi xuống, rồi lại đứng lên nói lại. Đến khi đạt yêu cầu thì mới dừng.

gs-phung-van-tuu-nhieu-nguoi-bao-toi-gan-1-.jpg
GS.NGƯT Phùng Văn Tửu. Ảnh: Mai Loan.

Chia sẻ về lý do có yêu cầu đó, GS Phùng Văn Tửu cho biết, ông muốn tạo cho sinh viên sự tự tin. Ngoài giảng đường, chuyện xưng hô giữa sinh viên với ông thoải mái, tùy hoàn cảnh. Nhưng trong lớp, khi sinh viên xưng "em", ông thấy dường như có một khoảng cách về vị thế giữa thầy và trò, sinh viên sẽ không dám bộc lộ ý kiến của mình. Ông yêu cầu sinh viên xưng “tôi” với thầy, đồng thời gọi sinh viên bằng "anh", "chị" cũng là để sinh viên tự tin ở mình.

Và sự tự tin này, ngay đối với học sinh bậc phổ thông đã được ông lưu ý. “Chị biết chỗ nào trong SGK dễ gặp cách xưng hô của người biên soạn sách với học sinh không?”, GS Phùng Văn Tửu hỏi. “Phần câu hỏi hướng dẫn ạ”. Nhận câu trả lời, GS Phùng Văn Tửu cười cho biết, khi làm sách giáo khoa bậc THPT, ông đề nghị phần câu hỏi nên dùng “anh, chị”, thay vì từ "em" để chỉ học sinh.

Theo GS Phùng Văn Tửu, dù còn nhỏ tuổi, nhưng học sinh bao giờ cũng muốn mình là người lớn, muốn có suy nghĩ độc lập. Mới đầu, ý kiến của ông chưa nhận được sự đồng thuận, ông bèn đặt câu hỏi dưới dạng vô nhân xưng.

“Nhưng sau đó, tôi nghe nói cấp trên có ý kiến nhắc nhở các nhà biên soạn sách giáo khoa trung học cố gắng hạn chế dùng từ "em" để chỉ học sinh, thế là tôi “thở phào””, GS Phùng Văn Tửu chia sẻ.

"Tôi luôn khuyến khích sinh viên phản biện, giảng theo hướng tung vấn đề cho sinh viên thảo luận. Ra đề thi, tôi thường yêu cầu sinh viên trình bày một vấn đề tâm đắc nhất và một vấn đề còn băn khoăn hoặc cần phản bác khi nghiên cứu công trình nghiên cứu của tôi. Thiếu phần phản biện, bài văn không đạt. Phản biện có thể sai, nhưng tôi vẫn đánh giá cao. Nhiều ý kiến của sinh viên hay lắm, tôi lại được học từ họ", GS.NGƯT Phùng Văn Tửu.

Nhà giáo - nghệ sĩ

Vào một buổi học cuối cùng, kết thúc môn có GS Phùng Văn Tửu dạy, khi đại diện giảng đường lên tặng hoa, GS hỏi:" Các anh chị tặng tôi với vai trò là giáo viên hay diễn viên?". Cả giảng đường cùng hô: "Cả hai ạ!". Rồi vỗ tay ran phòng.

Câu hỏi của GS Phùng Văn Tửu cũng đã gói lại được "phong cách" của ông ở trên giảng đường: vừa là một người thầy, đồng thời cũng là nghệ sĩ - điều khiến mỗi giờ dạy của ông đều trở thành đặc sắc, khó quên trong ký ức học trò. 

Những buổi có GS Phùng Văn Tửu giảng, sinh viên lớp "chính thức"  thường phải đến sớm, bởi sinh viên lớp khác cũng đến học "ké". Lớp phải kê thêm nhiều ghế, ngồi tràn cả ra ngoài, có khi phải đứng. Vậy mà vẫn vui, vẫn say mê học.

Bục giảng hóa thành "sân khấu", GS Phùng Văn Tửu dẫn dắt học trò "nhập vai", cuốn vào các tác phẩm với sự uyên bác của một người thầy, và sự duyên dáng, tài năng của một "diễn viên". 

Khi giảng về kịch ông đóng hóa thân thành các nhân vật, đi lại linh hoạt trên bục giảng. Giảng về thơ, cũng đóng luôn vai "nhân vật trữ tình".

Cho đến giờ, nhiều sinh viên vẫn nhớ hình ảnh GS Phùng Văn Tửu  với vóc dáng mảnh khảnh, bàn tay vờ cầm lược và đọc: "Ngay giữa hồi bi kịch của ta đây. Một ngày dài ngồi bên tấm gương soi. Nàng chải miết mái tóc vàng rực rỡ. Bàn tay nàng như kiên trì dập lửa...". Sau mỗi câu thơ, "lược" lại chải dịch xuống bên dưới một chút.

Những giờ giảng về Kafka cùng với những “Hóa thân”, “Vòng phấn Kavkaz” của ông... cũng vẫn in đậm trong ký ức nhiều học trò.

Trên bàn ông luôn có rất nhiều loại phấn, với đủ sắc màu để bài giảng thêm sinh động.

Ông cũng là người đặc biệt đúng giờ. Chuông reo báo vào tiết, đã luôn thấy ông đứng ngoài cửa lớp. Và khi phấn trên tay ông rơi, câu cuối cùng của bài giảng vừa xong, thì cũng là lúc chuông báo hết giờ vang lên. Thậm chí, có người đã ví, nếu ai có đồng hồ chạy sai, thì cứ chỉnh lại theo giờ lên lớp của GS Phùng Văn Tửu.

GS Phùng Văn Tửu chia sẻ, để có được sự “chuẩn xác” đó, ông phải soạn bài, rồi tập giảng, giảng đi giảng lại, nhìn đồng hồ, căn thời gian.

GS Phùng Văn Tửu là vậy.  “Mẫu mực”, đó là từ mà nhiều thế hệ sinh viên dành cho ông khi nhắc tới. Mọi thứ ông làm đều thể hiện sự chỉn chu, kỹ lưỡng tới từng chi tiết. Nó cho thấy trách nhiệm, thái độ lao động nghiêm túc và tình yêu với nghề sâu sắc của một nhà sư phạm.

Điều đặc biệt ở ông, là "mẫu mực" nhưng lại không hề khiến sinh viên cảm thấy "khô cứng", miễn cưỡng tuân theo mà tràn đầy sự tươi mới, hấp dẫn, truyền cảm hứng. Học trò thấy biết ơn vì đã được tiếp nhận, học hỏi sự "mẫu mực" đến thế ở một người thầy.

Và những cảm xúc, cảm hứng từ giờ giảng của GS Phùng Văn Tửu tạo ra cho sinh viên không chỉ lúc trên giảng đường, mà dư âm còn kéo dài sau đó. Học trò nhớ, nhắc lại những câu nói đặc sắc, có khi bắt chước lại giọng nói, điệu bộ của ông đầy thú vị… Nhiều câu chuyện về ông đã trở thành những “giai thoại”.

Hàng trăm lời chia sẻ của các thế hệ sinh viên bày tỏ nỗi đau buồn, thương tiếc trước sự ra đi của GS.NGƯT Phùng Văn Tửu.

"Một thế hệ nhà giáo kiến thức uyên thâm, hiểu đời, hiểu người nhưng rất mực khiêm tốn, khiêm cung; vĩ đại mà không xa cách; thân mật mà không buông tuồng", "Dù đã ra trường tròn 40 năm nhưng em vẫn nhớ như in giọng thầy nói về truyện ngắn "Làng gần nhất", " Vòng phấn Kapka", " Cái chết của người chào hàng"... Với kiến thức uyên thâm, với tác phong mô phạm, chỉnh chu đến từng câu từng chữ, và phong thái điềm đạm của một nhà khoa học minh triết, những tiết học của thầy đã truyền cảm hứng, đã đem đến cho chúng em tình yêu, sự say mê đối với văn học. Thầy đã truyền cho bao thế hệ sinh viên niềm tin yêu cuộc sống. Chúng em vô cùng hạnh phúc vì đã được làm học trò của thầy...".... các cựu sinh viên viết lời tiễn biệt.

GS Phùng Văn Tửu sinh năm 1935 tại xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Thành phố Hà Nội trong một gia đình nhà giáo. GS Phùng Văn Tửu nguyên là Phó trưởng bộ môn Văn học nước ngoài của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, là chuyên gia đầu ngành về văn học Phương Tây. Với những cống hiến của mình, ông đã được nhận nhiều danh hiệu, giải thưởng cao quý. Trong đó, cụm công trình "Tiểu thuyết Pháp nửa sau thế kỷ 20" của GS Phùng Văn Tửu được Giải thưởng Nhà nước về KHCN năm 2005.

GS.NGƯT Phùng Văn Tửu đã từ trần hồi 0 giờ 30 phút sáng ngày 09/03/2022 (tức 07/02 năm Nhâm Dần), hưởng thọ 88 tuổi.

Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top