Giúp tân sinh viên vượt "sốc" những ngày đầu

(khoahocdoisong.vn) - Nhớ nhà, lịch học dày đặc khác ngày cấp ba, môi trường sống thay đổi … khiến không ít tân sinh viên đã rơi vào trạng thái “sốc” ngay khi vừa bước chân vào cổng trường đại học, thậm chí không vượt qua.

“Bắt bệnh” sốc

ThS Hoàng Tuấn Dũng, Bí thư Đoàn TN ĐH Ngoại  thương, Phó giám đốc TT Hỗ trợ sinh viên cho biết, những khó khăn của tân sinh viên có thể chia làm 3 nhóm: trong học tập, trong cuộc sống và các hoạt động ở trường, lớp.

“Về học tập, cơ bản các tân sinh viên có sự bỡ ngỡ, nhất là với những trường ĐH có điểm đầu vào cao, như ĐH Ngoại thương. Điểm đầu vào cao có một lợi thế là các sinh viên có kỹ năng học tập tương đối tốt. Nhưng đi cùng với đó, các bạn thường nhận được cưng chiều nhất định từ phía các thầy cô giáo cấp 3. Khi lên đến  đại học, thấy xung quanh toàn người như mình.

Đặc biệt, việc học tập ở ĐH chủ yếu ở sự nỗ lực, tự tìm tòi nghiên cứu là chính. Các thầy cô ĐH không còn dạy đi vào chi tiết từng câu từng chữ, mà thường dạy theo ý, hoặc có những hoạt động như thảo luận hoặc trình bày… để các sinh viên thể hiện được bản thân. Tuy nhiên, nếu sinh viên chưa quen cách học này thì sẽ gặp bỡ ngỡ.

Nhất là với các bạn đang là những “ngôi sao” của trường cấp 3, việc chưa quen với cách học, khi bị một vài điểm xấu thì dễ mất tinh thần, coi như đây là “tận cùng thế giới”, nên dễ “choáng”, sụp đổ”, ông Dũng chia sẻ.

Khó khăn thứ hai, ở mảng sinh hoạt cuộc sống, xuất phát từ việc các sinh viên bắt đầu cuộc sống tự lập như ở nhà thuê, ở chung với người khác… Những trải nghiệm này chưa từng có, nên đi kèm theo đó là các bối rối, nảy sinh các vấn đề về ứng xử.

Khó khăn thứ 3 là việc tham gia các hoạt động ngoại khóa. Riêng đối với trường Ngoại thương, môi trường hoạt động ngoại khóa rất mạnh với gần 70 câu lạc bộ ở cả ba cơ sở.

“Tuy nhiên, việc thi vào CLB ở ĐH Ngoại thương được đánh giá còn khó hơn là thi đại học. Cho nên, đây cũng là một áp lực đối với các bạn sinh viên năm nhất khi tìm cho mình một hoạt động ngoại khóa phù hợp. Sẽ có trường hợp, không tham gia một CLB nào”, ông Dũng nói.

Đứng từ một góc nhìn khác, ThS Đinh Đoàn “bắt bệnh” khiến các sinh viên bị “choáng”, “sốc” trong giai đoạn đầu đến trường ĐH xuất phát một phần lớn là sự cưng chiều từ phía phụ huynh.

“Hãy nhìn xem sinh viên nước ngoài, năm thứ 2, 3 đã khoác ba lô tự đi du lịch khám phá rồi.

Còn phụ huynh của ta, nhiều người cho con đi du học ở Úc và Mỹ cũng phải bay một chuyến sang tận nơi, làm hết các thủ tục cho con từ A đến Z rồi về. Thậm chí ngay cả ĐH trong nước cũng làm thủ tục thay cho con. Điều đó tạo ra cho con một sự ỷ lại.

Đi đại học còn như vậy, thử hỏi khi ở nhà ra sao? Có khi ở nhà vẫn cơm bố mẹ nấu, quần áo bố mẹ giặt, đi học thì bố mẹ chở đi. Cứ bao bọc thế nên khi buông ra thì các em chới với. Giống như khi ta nhốt con gà công nghiệp, đến lúc mở cửa chuồng ra thì gà có chạy đâu, vì quen đứng rồi, thậm chí lại chui tọt vào chuồng. Ở đây, vấn đề là do giáo dục gia đình”, ThS Đinh Đoàn phân tích.

Hãy để cho mình bận rộn

Từ những phân tích đó, chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn chia sẻ, để vượt qua những khó khăn, thì các sinh viên phải xác định, đây là giai đoạn chuyển tiếp, cần thiết để trưởng thành. Dấu hiệu của trưởng thành là muốn tự lập, đi ra khỏi nhà, ra khỏi vòng tay bố mẹ.

Khó khăn chỉ ở giai đoạn đầu, nhưng rồi sẽ quen, qua đi. Còn đối với những em là “nạn nhân” của việc bị bố mẹ ôm ấp quá lâu, giờ có yếu “lẩy bẩy” nhưng cần phải nghĩ. nếu không vượt qua được chặng này thì sẽ chẳng bao giờ trưởng thành được.

“Cho nên hãy cố gắng mà tự lập. Cũng đừng vì yếu đuối mà sa vào những cạm bẫy tình cảm”, ThS Đinh Đoàn chia sẻ.

Cùng chung quan điểm này, ThS Hoàng Tuấn Dũng nói, có thể coi việc học giống như việc tập tạ hay môn thể thao nào đó, cứ dần dần sẽ quen. Còn khi đã vào đến ĐH, đặc biệt là những trường top đầu thì khả năng tự học, tự động viên mình của các bạn là rất lớn. Sau một thời gian sẽ thích nghi, nên sự choáng ngợp chỉ là bước đầu.

Từ năm 2018, ĐH Ngoại thương còn có chương trình tham vấn tâm lý miễn phí định kỳ hằng tuần cho các em sinh viên qua hình thức tư vấn 1 – 1 hoặc các chia sẻ nhóm lớn hàng quý.

“Hằng tháng và hằng quý, tôi cũng vẫn yêu cầu các chuyên gia tâm lý báo cáo những vấn đề mà thường các bạn sinh viên hay gặp phải. Đối với các bạn sinh viên năm nhất, nỗi nhớ nhà là một trong những vấn đề các bạn gặp phải thường xuyên.

Điều này cũng dễ hiểu, vì từ nhỏ, các em vốn sống với gia đình. Mọi vui buồn có người chia sẻ, có mẹ, chị tỉ tê, thì giờ đây trong môi trường bạn mới, thầy  cô mới… nhiều tâm sự giữ kín trong lòng, thành ra cô đơn, hụt hẫng.

Các bạn sẽ được các chuyên gia tư vấn khơi gợi, lắng nghe. Tuy nhiên, theo tôi, đôi khi chưa cần tới các chuyên gia, mà các bạn cũng hãy cứ mở lòng, làm quen với bạn bè xung quanh, thầy cô giáo, đừng ngại… Điều đó sẽ khiến các bạn trở nên sớm hòa nhập, vơi đi nỗi buồn”, ông Dũng nói.

Và có một cách đơn giản để không nhớ nhà, theo ông Dũng, đó là hãy để cho mình trở nên bận rộn, bằng các tham gia các hoạt động trên lớp, và ngoại khóa.

Hoạt động "Open tour" do CLB Diễn đàn sinh viên - Đoàn thanh niên trường ĐH Ngoại thương tổ chức với mục đích giới thiệu về cơ sở vật chất và các hoạt động của Nhà trường đến các bạn tân sinh viên K58.

 Hoạt động "Open tour" do CLB Diễn đàn sinh viên - Đoàn thanh niên trường ĐH Ngoại thương tổ chức với mục đích giới thiệu về cơ sở vật chất và các hoạt động của Nhà trường đến các bạn tân sinh viên K58.

Đặc biệt, không nên vì những khó khăn đầu tiên mà có suy nghĩ bỏ ngành, bỏ trường mình đang học để về quê, hoặc vào một trường nào đó “dễ thở” hơn.

Nên nhớ, vào ĐH bắt đầu một cơ hội mới, chứ không phải như một số bạn coi đây như là thành quả 12 năm học của mình, coi như mình đã xong việc rồi, giờ học thế nào cũng được.

Thực tế, nếu các bạn không đặt nền tảng cho những năm đầu thì những năm sau sẽ rất khó khăn, thậm chí là từ hoạt động ngoại khóa.

Ông Dũng cho biết, bản thân ông cũng làm hoạt động liên quan tới hướng nghiệp, thì thấy có những sinh viên năm thứ 3, 4, những vấn đề mà các em đang gặp phải lại bắt nguồn từ năm nhất, năm hai.

Các em không tham gia hoạt động gì cả, nên giờ đặt lên bàn cân so sánh với các bạn khác, em không có gì ngoài mảnh giấy xác nhận điểm. Có trường hợp điểm lại còn không cao.

“Một bạn điểm vừa không cao, vừa không có hoạt động ngoại khóa, không có kỹ năng bổ trợ nào thì có lý do gì mà các doanh nghiệp lại để ý tới. Kể cả khi các bạn đến từ một trường ĐH có tiếng. Lúc đó mới vội vàng đi bổ sung thì quả thực rất đáng tiếc thời gian đã bỏ lỡ”, ông Dũng chia sẻ.

PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Trưởng khoa Tâm lý Giáo dục (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) chia sẻ, theo ông được biết thì hiện ở trường nào cũng có những tổ chức Đoàn thanh niên, rất nhiều hoạt động. Nhớ nhà thì đương nhiên, nhưng nếu chỉ ngồi gặm nhấm, nghĩ tới mỗi chuyện nhớ nhà và cường điệu nó lên thì không thay đổi được gì. Trong khi đó, có rất nhiều việc cần phải làm, tìm hiểu. Khi mình làm được thì đó sẽ sự trưởng thành.

Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top