Giáo viên vẫn phải bỏ tiền học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp

(khoahocdoisong.vn) - Không đi học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp thì sẽ không giữ được hạng, bị tụt lương, đó là lý do mà nhiều giáo viên vẫn tiếp tục phải bỏ tiền học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, cho dù thấy việc học này là hình thức, không ý nghĩa.

Học “cấp tốc", thuê người viết bài thu hoạch

Một giáo viên một trường THCS ở Hà Nội cho biết, cách đây khoảng hơn 1 tháng, cô nhận thông báo từ phía hiệu trưởng trường cô đang dạy rằng cô cần đi học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp để giữ hạng. Nếu không có chứng chỉ này, cô sẽ từ hạng II bị xuống hạng III, từ đó, ảnh hưởng tới xếp lương.

Cô giáo đã vào biên chế được hơn 20 năm, nhiều lần từ chối học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Nhưng lần này “ngại mọi người nhắc nhiều, cho nên đi học cho xong”.

Cô được một người bạn kết nối cho vào một lớp học gồm có 73 người đến từ nhiều tỉnh: Sơn La, Sơn La, Cao Bằng, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam…

Tiền “cứng” phải nộp là 2,7 triệu đồng. Ngoài ra, còn là tiền quỹ lớp, tiền “thầy cô”, tổng cộng hơn 4 triệu đồng. Lớp học 10 buổi, với 10 chuyên đề, học dưới hình thức online.

Lịch học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp với những nội dung theo giáo viên họ đều đã được học ở các buổi bồi dưỡng, tập huấn hằng năm. Ảnh do giáo viên cung cấp.

Lịch học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp với những nội dung theo giáo viên họ đều đã được học ở các buổi bồi dưỡng, tập huấn hằng năm. Ảnh do giáo viên cung cấp.

“Những kiến thức được học tựa như học nghiệp vụ sư phạm, hoặc đã biết, hoặc cũng chẳng có ý nghĩa gì đối với nghề nghiệp. Một vài chuyên đề cuối cùng về phát triển năng lực học sinh cũng có ích nhất định, nhưng chủ yếu là lý thuyết, và đã được học trong các buổi tập huấn hằng năm. Mỗi năm, giáo viên chúng tôi phải tập huấn từ 6 - 7 lần, học về những kiến thức này. Giờ lại phải bỏ tiền, mất thời gian ra để học lại”, giáo viên này cho biết.

Lớp học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp được tổ chức dưới hình thức online. Ảnh do giáo viên cung cấp.

Lớp học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp được tổ chức dưới hình thức online. Ảnh do giáo viên cung cấp.

Sau khi học 10 buổi, các học viên phải viết bài thu hoạch nộp cho giáo viên. Người “môi giới” cho cô vào lớp hỏi: Muốn tự viết hay nhờ người viết? Nếu nhờ người viết, chuyển khoản là 120.000đ là xong. Và cô giáo này đồng ý phương án thuê người viết hộ. Bởi thấy việc học hình thức, các kiến thức thu nạp cũng chẳng có ý nghĩa gì, nhờ người viết cho nhanh, miễn là lấy được chứng chỉ.

Cô giáo này cho biết, đó là cô còn thuộc diện học “nghiêm túc”. Còn có những giáo viên cô biết chẳng cần học lớp chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, thay vào đó, chỉ cần nộp tiền. Đến khi thi thì thuê người đi thi hộ. Sau đó, cũng vẫn có chứng chỉ “đàng hoàng”.

Mong cắt giảm những chứng chỉ làm khổ giáo viên

Mới đây, Bộ Nội vụ đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát chứng chỉ bồi dưỡng đối với công chức, viên chức.

Đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ hoàn toàn thống nhất và đồng tình với đề xuất của Bộ Nội vụ về việc giảm số lượng chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với đội ngũ nhà giáo.

Nếu Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ Nội vụ thì Bộ GD&ĐT sẽ sớm triển khai việc sửa đổi các các quy định tại chùm Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên cũng như các quy định về thi/xét thăng hạng và chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình mới đây cũng đã có chỉ đạo đối với Bộ Nội vụ về việc phối hợp chặt chẽ với các bộ trong quá trình thực hiện việc rà soát, cắt giảm các chứng chỉ bồi dưỡng theo yêu cầu.

Theo đó, có việc cắt giảm chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức theo hướng tích hợp các chương trình bồi dưỡng có nội dung tương đồng trong cùng một nhóm ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành để tăng cường bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm.

Nhiều giáo viên cho biết, họ rất vui khi có sự chỉ đạo của Chính phủ đối với việc này. Họ hy vọng, sau khi có chỉ đạo của Chính phủ, thì Bộ GD&ĐT cùng Bộ Nội sẽ xem xét, cắt giảm những chứng chỉ chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên một cách hợp lý nhất, sớm nhất..

Bởi vì, hiện nay, có quá nhiều những tiêu cực liên quan tới các lớp chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Việc học hình thức, tốn kém, mất thời gian của giáo viên. Chưa kể là những “gian dối”, chỉ đóng tiền mà không học, hoặc thuê người viết bài thu hoạch… Như vậy, việc học không hề có ý nghĩa. Giáo viên cần được bồi dưỡng để nâng cao nghiệp vụ. Nhưng nếu học chỉ để hợp lý hóa hồ sơ, không có ích cho công việc chuyên môn thì chỉ gây mệt mỏi.

Ngoài ra, việc phân chia giáo viên thành các hạng cũng không phù hợp. Quá trình phấn đấu của giáo viên thay đổi theo thời gian. Không có gì bảo đảm đã được lên giáo viên hạng I là sẽ luôn có thành tích tốt hơn giáo viên hạng II, hạng III và ngược lại.

Hiện nay, các lớp học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp vẫn liên tục “chiêu sinh” và được tổ chức. Nhiều giáo viên chỉ vì sợ làm ảnh hưởng tới bậc lương mà phải “tặc lưỡi”, đi học cho xong. Mỗi lớp học từ 70-80 học viên, nhân lên với số giáo viên cả nước, số tiền giáo viên phải đóng là số tiền không hề nhỏ. Cộng lại, không biết bao nhiêu tiền, công sức của giáo viên đã đổ vào các lớp học như thế này.

Từ ngày 20/3/2021, 4 thông tư bao gồm Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT; Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT; Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT; Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT do Bộ GD&ĐT ban hành có hiệu lực thi hành. Những thông tư này quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường theo các bậc học từ mầm non tới trung học phổ thông. Những thông tư này liên quan đến những kiến nghị, bức xúc của giáo viên.

Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top