Nghe đài quá to có thể làm giảm thính lực.
Tổn thương thính lực
Theo TS Thierry Morlet, Trưởng khoa Sinh lý thính giác tại Bệnh viện Nhi Nemours Alfred I. duPont (Wilmington, Hoa Kỳ), tiếp xúc với âm thanh quá lớn sẽ khiến khả năng thính giác của bạn bị ảnh hưởng. Bị ù tai, hoặc thậm chí là cảm giác điếc đặc là biểu hiện của chứng mất thính lực tạm thời, có thể xảy ra sau khi bạn tiếp xúc với âm thanh quá lớn.
Mặc dù thính lực của bạn sẽ trở lại bình thường, thường là sau một đêm ngon giấc, nhưng điều nguy hiểm là thính lực của bạn có thể bị mất vĩnh viễn nếu bạn nghe tiếp xúc với tiếng ồn lớn lặp đi lặp lại. Thường xuyên nghe nhạc với âm thanh quá lớn có thể gây ra cùng một loại tổn thương như vậy.
Chuyên gia thính học Paul Checkley, tại Đại học College (London, Anh) giải thích: Những người có thính giác tốt có các tế bào lông nhỏ xíu lót tai trong, nhờ những rung động của chúng để truyền tín hiệu âm thanh tới não.
Nghe nhạc với âm lượng quá lớn có thể làm bạt những sợi lông này khiến chúng bẹp xuống, và mặc dù chúng sẽ quay trở lại vị trí bình thường, nhưng tiếng ồn quá lớn trong một thời gian dài có thể khiến chúng bị gãy, bẹp, không hồi phục lại được.
Và một vấn đề mà nhiều người không nhận ra, đó là những sợi lông này không mọc lại và do đó bất kỳ tổn thương nào gặp phải sẽ là vĩnh viễn.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh những tổn thương chúng ta nhận thấy có thể không tức thời, mà sẽ mất nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm để thấy rõ hậu quả của việc này.
Nghe nhạc âm lượng lớn trong một thời gian dài sẽ dần dần làm suy yếu các cấu trúc trong tai, và điều này có thể gây ra các điều kiện như ù tai hoặc âm thanh nghe được như bóp nghẹt.
TS Nguyễn Phan Kiên: Bên cạnh tiếng nhạc, tiếng ti vi, đài radio,… trong cuộc sống hàng ngày có rất nhiều loại âm thanh khác nhau như tiếng còi ô tô, tiếng đồng hồ báo thức, thậm chí là cả tiếng nói chuyện… Các âm thanh này đều ảnh hưởng đến thính lực nếu ở mức độ quá to.
Thế nào là âm lượng lớn?
TS Nguyễn Phan Kiên, Bộ môn Điện tử Y sinh, Viện Điện tử Viễn thông, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết có những qui định chung về ngưỡng âm thanh và ảnh hưởng của nó tới thính giác.
Nhìn chung ngưỡng chói tai là vào khoảng 120dBA, âm thanh cứ vượt quá 120dBA sẽ làm người nghe khó chịu và nó sẽ ảnh hưởng tới khả năng nghe nếu trong trường hợp chịu tác động lâu dài.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra thời gian tối đa bảo vệ cho đôi tai mỗi ngày khi nghe âm thanh tại mức 90 dBA là 8 giờ. Đối với mỗi lần tăng 5 dBA về mức độ, thời gian tiếp xúc tối đa được giảm một nửa, ví dụ 95 dBA = 4 giờ, 100 dBA = 2 giờ, 110 dBA = 30 phút, 120 dBA = 7,5 phút.
Tuy nhiên, độ lớn âm thanh còn bị ảnh hưởng bởi khoảng cách nghe, kích thước phòng nghe và khả năng hồi âm của phòng hoặc hấp thụ âm của phòng nên khó có thể nói cỡ âm lượng nào là to hay nhỏ. Hơn nữa, trong cuộc sống không dễ gì có thể đo được chính xác những âm lượng; vậy, làm thế nào để bạn biết khi âm thanh là quá lớn?
Quy tắc đơn giản nhất là trong tiếng nhạc bạn khó có thể nghe thấy tiếng nói khác, và thậm chí dù đã ghé sát tai để nói chuyện bạn vẫn cần phải gào lên để người khác có thể nghe thấy bạn. Còn nếu bạn đeo tai nghe thì âm lượng là quá to khi những người khác vẫn có thể nghe thấy tiếng nhạc của bạn.
Một cách phát hiện khác, đó là khi bạn ra khỏi phòng nhạc hoặc khi bạn bỏ tai nghe, bạn sẽ bị ù tai nhất thời chỉ trong vài giây sau đó; hoặc bạn cảm thấy âm thanh có vẻ bị bóp nghẹt và bị mờ khi bạn vừa bước ra môi trường yên tĩnh.
Theo TS Thierry Morlet, hãy nhớ giảm âm lượng vừa nghe, để không có cảm giác chối tai. Hoặc khi ở những nơi có âm nhạc to, với những âm thanh bùm bùm chát chúa, thì tốt nhất bạn nên ra ngoài để đôi tai của mình được nghỉ ngơi ít nhất 10 phút sau mỗi giờ nghe nhạc. Không nên ở những nơi này quá lâu, hàng giờ đồng hồ và lặp lại với tần suất liên tục.
Đức Anh