Giảm áp lực, kỳ vọng với trẻ trong mùa dịch

Theo chuyên gia tâm lý, nếu cha mẹ vẫn giữ nguyên những kỳ vọng về thành tích học tập với trẻ giống như trước khi có dịch thì sẽ tạo áp lực rất lớn với trẻ.

Nhiều phụ huynh chia sẻ, việc trẻ ở nhà dài ngày và phải chuyển học trực tuyến do dịch Covid-19 đã khiến nhiều trẻ có những biểu hiện ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần.

ap-luc-hoc-tap.jpg
Học sinh Hà Nội phải học trực tuyến dài ngày do dịch COVID-19. Nhiều trẻ phải học qua điện thoại hoặc ipad màn hình nhỏ. Ảnh: Mai Loan.

Phải ở nhà dài ngày, trẻ gặp nhiều vấn đề về tâm lý

Những vụ việc trẻ tự sát gần đây đã khiến phụ huynh rất lo lắng, nổi lên nhiều tranh luận về việc làm sao để giữ sức khỏe cho con, tránh gây cho con những áp lực, trong đó có áp lực từ học tập và dấu hiệu để nhận biết con có những vấn đề về tâm thần thế nào.

Trao đổi với phóng viên Khoa học và Đời sống về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Trịnh Phúc, Trưởng phòng Đánh giá và Tham vấn, Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Hoàng Đức cho biết, trong mùa dịch, có rất nhiều thứ khiến cho trẻ căng thẳng, trong đó có vấn đề học tập và cả trong cuộc sống gia đình.

Cụ thể, việc thay đổi hình thức học sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của trẻ vì học sinh không được tương tác với bạn bè. Trong khi đó, với học sinh, hoạt động tương tác với bạn bè là hoạt động chính. Việc không được học tập, trao đổi, bộc lộ cảm xúc phần nào ảnh hưởng đến trạng thái tâm lý của trẻ.

Nhiều học sinh khó khăn trong việc thích ứng với việc học trực tuyến, tiếp nhận kiến thức khi mà không thể trao đổi trực tiếp với giáo viên, hay bạn bè.

Ngoài ra, những tình huống, mối quan hệ của cha mẹ trong gia đình cũng ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ, nhất là khi cha mẹ có những mâu thuẫn. Khi đi học trực tiếp, học sinh dành nhiều thời gian ở trường hơn, tần suất gặp phụ huynh ít hơn, khó thấy được những điều đó. Còn khi ở nhà thời gian dài do dịch, những mâu thuẫn giữa bố mẹ với nhau và giữa cha mẹ với con cái sẽ bị bộc lộ rất nhiều.

Khi trẻ gặp các vấn đề về tâm lý, cha mẹ có thể nhận biết qua một số những biểu hiện về hành vi của trẻ. Cụ thể, trẻ sẽ cáu gắt, bướng bỉnh hơn, dễ nổi nóng. Hoặc một số trường hợp trẻ không muốn giao tiếp nữa, chỉ muốn một mình, dễ buồn, tổn thương, tự ái, giận.

Cũng có thể trẻ sẽ có những thay đổi về mặt nhận thức như giảm chú ý, dễ bị phân tán bởi hoạt động xung quanh.

“Nếu quan sát kỹ thì sẽ thấy rất rõ những biểu hiện này. Tuy nhiên, cần lưu ý, không phải trẻ sẽ bộc lộ hết tất cả những biểu hiện này mà có thể chỉ ở một hoặc vài biểu hiện”, ông Phúc nói.

Thay đổi sự kỳ vọng, yêu cầu với trẻ

Theo ông Trịnh Phúc, hoàn cảnh dịch bệnh đã có tác động lên trẻ rất nhiều, trong đó việc học trực tuyến hiệu quả sẽ rất khác với học trực tiếp. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh lại vẫn yêu cầu thành tích của con giống như giai đoạn trước. Chẳng hạn, nếu trước đây là học sinh giỏi thì giờ cũng vẫn phải vậy. Điều đó đã chất thêm áp lực tâm lý lên con.

Để tránh cho trẻ những căng thẳng, bố mẹ cần phải hiểu được những khó khăn mà con đang phải trải qua, từ đó thay đổi những kỳ vọng, yêu cầu với trẻ.

“Hiện tại, xung quanh con có rất nhiều thứ tác động về tâm lý, sức khỏe với trẻ. Chẳng hạn như những tin tức về Covid-19, sự cám dỗ bởi những chương trình trên không gian mạng, việc tiếp nhận kiến thức từ việc học trực tuyến khó khăn, ảnh hưởng của màn hình máy tính đến mắt…

Sự kỳ vọng, yêu cầu của cha mẹ đối với con phải thay đổi tùy vào tình hình thực tế trong bối cảnh hiện tại, không phải cứ đi con đường cố định như trước. Ngay cả phụ huynh cũng phải thay đổi phù hợp với bối cảnh hiện tại”, ông Phúc nói.

Để giữ cho tinh thần trẻ được thoải mái, theo ông Phúc cha mẹ cần tạo cho trẻ những khoảng không để trẻ hoạt động, hoặc để trẻ tham gia những hoạt động nghệ thuật, năng khiếu… Ví dụ, có thể để trẻ cùng tham gia làm việc nhà, lau chùi xe, tập yoga… tăng cường những hoạt động thư giãn, giảm tác hại của màn hình máy tính khi ngồi quá lâu.

Đặc biệt, cha mẹ phải là lá chắn, nguồn động viên cho con để tạo động lực cho con, giúp chia sẻ và đồng hành cùng con. Trong giai đoạn này, cha mẹ cũng gặp những khó khăn về kinh tế, công việc nhưng cha mẹ vẫn phải bảo vệ con trước sự tác động của việc phải ở nhà dài ngày do đại dịch.

Theo ông Trịnh Phúc, dấu hiệu để phát hiện trẻ tự sát rất khó, sẽ lường trước tùy theo mức độ. Nếu những biểu hiện tổn thương tâm lý của trẻ như đã nêu xuất hiện với tần suất nhiều hơn, mức độ thể hiện nặng hơn thì cần lưu ý. Đặc biệt, là trẻ có thể xuất hiện dấu hiệu tự làm đau bản thân, làm đau người khác, hoặc trút cơn giận lên những đồ vật bên ngoài. Trẻ cũng có thể trao đổi với bạn bè về ý định tự tử. Tuy nhiên, có những trẻ sẽ không nói. Cho nên, sẽ quan sát để xem những thay đổi của trẻ để kịp thời xử trí.

Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top