Giải mã hiện tượng trăng hồng

(khoahocdoisong.vn) - Tối 19/4 vừa qua, người yêu thiên văn có dịp quan sát Mặt Trăng màu hồng lạ lẫm. Ánh sáng vàng trắng phản chiếu lại từ Mặt Trời tạo nên trăng hồng.

‘Trăng hồng” không phải màu hồng

Hiện tượng trăng hồng bắt đầu lúc 18h12' (giờ Việt Nam). Người yêu thiên văn ở Việt Nam cũng đã có dịp quan sát hiện tượng Mặt Trăng có màu hồng rất lạ mắt vào tối 19/4 vừa qua. 

Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội thiên văn học trẻ Việt Nam cho biết, trăng hồng diễn ra khi Mặt trăng di chuyển đến phía đối diện với Trái đất (Trái đất nằm giữa Mặt trăng và Mặt trời).  Khi đó, Mặt trăng lớn và sáng hơn bình thường. Mặc dù có tên là trăng hồng nhưng vào đêm hôm đó trăng có thể có màu trắng, vàng... Theo Trung tâm Goddard của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), người dân tại các khu vực như Nam Mỹ, châu Âu, châu Phi, châu Á và Australia có thể chiêm ngưỡng hiện tượng thiên văn kỳ thú này.

Mặc dù không thực sự chuyển sang màu hồng, tại nhiều địa điểm trên thế giới, Mặt trăng chuyển sang màu đỏ nhạt. Việc Trăng có màu gì còn do thời điểm quan sát. Theo ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Trăng có màu hồng không hiếm. Thường thì khi Trăng còn ở hơi thấp nó sẽ có nhiều sắc đỏ hơn, cộng với việc khí quyển ô nhiễm hoặc có phân lớp rõ rệt giữa các lớp khí dẫn tới sự sai khác về góc khúc xạ của ánh sáng. Nếu đợi đến lúc Trăng lên đủ cao thì không có màu đó.

Ngày Trăng tròn tiếp theo sẽ diễn ra vào 18/5. Tại Bắc Mỹ, ngày này được đặt tên là "Trăng hoa" (Moon flower). Tại phương Tây, "Trăng hồng" là ngày có ý nghĩa tương đối quan trọng, bởi nó được sử dụng để làm cột mốc thời gian tính ngày cho lễ Phục sinh. Theo đó, lễ Phục sinh sẽ diễn ra vào Chủ nhật sau ngày trăng tròn đầu tiên sau kỳ xuân phân. 

Mặt trăng không tự phát sáng

Theo ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Mặt trăng không hề tự phát sáng, ánh sáng mà ta nhìn thấy là ánh sáng của Mặt trời phản xạ lại khi gặp bề mặt Mặt trăng. Vì Mặt trăng chuyển động quanh Trái đất nên vùng được chiếu sáng mà chúng ta nhìn thấy ở mỗi thời điểm là khác nhau. Sự biến đổi hình dạng của vùng được chiếu sáng đo theo chu kỳ được gọi là các pha của Mặt trăng. Âm lịch mà chúng ta sử dụng dựa trên chính chu kỳ các pha như vậy.

Hằng ngày, Mặt trăng luôn có màu trắng - vàng. Riêng những lần có nguyệt thực – khi Mặt trăng ở pha tròn và đi vào vùng bóng tối phía sau Trái đất – thì một phần hoặc toàn bộ Mặt trăng có màu đỏ, đối với vùng nửa tối thì là màu đỏ nhạt - hoặc có thể gọi là hồng.

Xuất xứ thực sự của tên gọi 'Trăng hồng" (Pink Moon) này tới từ một loài hoa mọc phổ biến ở Bắc Mỹ và nở vào mùa xuân là hoa phlox. Thời điểm tháng 4 hàng năm là khi hoa phlox nở rộ và tạo nên cảnh tượng như một tấm thảm màu hồng trên mặt đất. Trăng tròn rơi vào khoảng thời gian như vậy được người bản địa gọi là Trăng hồng. 

Cách gọi như trên rõ ràng chỉ là vấn đề của văn hóa. Ở nhiều khu vực khác, cũng là Trăng tròn tháng 4 nhưng còn có những tên gọi như Trăng cỏ mọc (Sprouting Grass Moon), Trăng thỏ rừng (Hare Moon), Trăng cá (Fish Moon), ... chưa không phản ánh chút nào về màu sắc hay độ sáng của Mặt trăng. Việc này cũng tương tự như một khái niệm khác những năm gần đây hay được nhắc tới là "Trăng xanh" (Blue Moon). Đó là lầnTrăng tròn thứ hai trong một tháng Dương lịch, hoặc là lần thứ 3 trong số 4 lầnTrăng tròn của cùng một mùa.

“Những lời đồn đại về siêu trăng, trăng đỏ, trăng xanh, trăng hồng… liên quan đến những biến cố về chính trị, xã hội, đều không có căn cứ”, ông Đặng Vũ Tuấn Sơn cho biết.

Bảo Khánh

Theo Đời sống
back to top