Thí sinh 27 điểm không đỗ đại học vì đăng ký toàn vào Ngoại thương, Kinh tế Quốc dân. Một em 26 điểm trượt 15 nguyện vọng… Đây là những câu chuyện được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội sau khi các trường công bố điểm trúng tuyển. Hàng loạt câu chuyện tương tự khác xảy ra khi điểm chuẩn nhiều ngành tăng mạnh.
“Năm nay, thí sinh rớt nhiều quá. Điểm cao, các em không lường trước được. Một phần nguyên nhân nằm ở các trường tuyển sinh bằng nhiều phương thức, chỉ tiêu dành cho xét điểm thi tốt nghiệp THPT không nhiều. Năm sau, thí sinh cần quan sát điểm này để chọn trường, phương thức phù hợp”, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho hay.
Năm nay, điểm chuẩn nhiều ngành, trường tăng vọt, ngoài dự đoán của thí sinh khi đặt nguyện vọng. Ảnh minh họa: Chí Hùng. |
Thí sinh vẫn còn nhiều con đường
Trong trường hợp trượt tất cả nguyện vọng hoặc trúng tuyển vào các trường, ngành chưa ưng ý, thí sinh có thể tham gia đợt xét tuyển bổ sung. Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng các em cần quan sát thêm và rất ít trường xét tuyển bổ sung.
Ông Dũng cho hay tỷ lệ ảo trên hệ thống của Bộ GD&ĐT lớn, các trường gọi thí sinh nhiều nhưng các em không nhập học. Dù vậy, ông đánh giá việc xét tuyển bổ sung thường rơi vào các trường tốp dưới. Các trường tốp trên ít tuyển bổ sung vì dù quy chế cho phép tuyển nhiều lần, các trường sẽ chấp nhận thiếu chỉ tiêu chứ không muốn tuyển lắt nhắt.
Cùng quan điểm, thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên dạy Hóa học ở Hà Nội, nêu quan điểm với tình hình tuyển sinh mấy năm gần đây, gần như các trường đại học tốp giữa và tốp trên sẽ tuyển đủ từ đợt tuyển sinh đầu tiên.
Do đó, cơ hội còn lại cho thí sinh khá nhỏ và thường ở một số trường tốp giữa, tốp dưới. Đây là những trường mà nhiều thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học.
Thầy Ngọc nói thêm các trường xét tuyển bổ sung thường ở các ngành không hot, mức điểm không cao. Tuy nhiên, một số ngành vẫn tốt, mức điểm có thể cao hơn rất nhiều so với mức sàn. Do đó, thí sinh cần cân nhắc, lựa chọn, sắp xếp nguyện vọng tốt.
Tương tự, PGS.TS Đỗ Văn Dũng khuyên khi xét tuyển bổ sung, thí sinh nên đặt 15-20 nguyện vọng theo nguyên tắc “lọt sàng xuống nia”. Các em cũng cần nghiên cứu cơ cấu ngành nghề để xem trường nào điểm cao, điểm thấp rồi đăng ký xét tuyển vào trường có điểm chuẩn gần kề, thấp hơn điểm của mình.
Với lựa chọn xét tuyển bổ sung, thầy Vũ Khắc Ngọc lưu ý một số trường ngoài công lập vẫn còn các đợt xét tuyển bổ sung, thường bằng kết quả thi, học bạ hoặc kết hợp.
Bên cạnh đó, những thí sinh có tài chính và tiếng Anh tốt có thể tham khảo thêm chương trình liên kết quốc tế của các trường, kể cả trường tốp đầu.
Theo thầy Ngọc, những ngành này, do có liên kết với các trường đối tác ở nước ngoài, học phí thường cao và yêu cầu về chứng chỉ tiếng Anh để đảm bảo việc học bằng ngoại ngữ. Đây là rào cản khiến việc tuyển sinh của trường cho chương trình không dễ.
Trong khi đó, PGS.TS Đỗ Văn Dũng gợi ý thêm các em có thể chọn cao đẳng rồi liên thông lên đại học nếu trong đợt xét tuyển vừa qua trượt tất cả nguyện vọng.
“Việc học là cả đời. Các em có thể học cao đẳng 3 năm rồi liên thông, học thêm 1,5 năm nữa, vẫn có bằng kỹ sư, cử nhân như mọi người”, ông nói.
Nếu muốn thi lại vào năm sau, thí sinh cần cân nhắc cẩn thận trước khi đưa ra quyết định. Ảnh minh họa: Hoàng Giám. |
Cân nhắc khi lựa chọn thi lại
Ngoài những lựa chọn trên, thực tế, rất nhiều thí sinh quyết định thi lại vào năm sau. Theo ông Đỗ Văn Dũng, các em có thể lựa chọn như vậy nếu thực sự yêu thích ngành, trường mà năm nay, các em chưa trúng tuyển.
Tuy nhiên, với phương án này, thầy Vũ Khắc Ngọc cho rằng các bạn trẻ cần cân nhắc nhiều. Thầy cho biết từ quan sát cá nhân, phần lớn học sinh ôn thi lại không đạt kết quả như năm đầu. Số đạt kết quả cao hơn không nhiều.
Vì thế, ông nhắn gửi thí sinh khi xác định thi lại, cần rõ ràng lý do mình không đạt kết quả như kỳ vọng là gì. Nếu như chỉ là sai sót, không may khi thi hay chưa cố gắng hết mình, các em mới nên thi lại. Trong trường hợp đã cố gắng, đánh giá đúng, khách quan năng lực thật của mình, các em không nên thi lại. Và nếu thi lại, thí sinh cần xác định phải đạt mức điểm vượt trội.
“Khi thi lại, cái giá các bạn bỏ ra rất nhiều, không chỉ chi phí ôn thi mà còn cơ hội. Với đời người, một năm không đáng là bao nhưng một năm tuổi trẻ là vô giá. Do vậy, các em cần cân nhắc, tính toán nghiêm túc, bàn bạc kỹ lưỡng với gia đình, không nên quyết định cảm tính nhất thời”, thầy Ngọc nhắn nhủ.
Thầy nói thêm thí sinh còn trẻ, còn cơ hội làm lại. Tuy nhiên, nếu ôn thi lại, các em cần hiểu giá trị mình đánh đổi để xác lập thái độ đúng đắn với việc học. Việc thi lại có cả thuận lợi và khó khăn. Các em có nhiều thời gian hơn nếu chỉ tập trung ôn thi và học các môn cần để thi.
Khó khăn nằm ở sự tự giác. Khi đi học, các em có bạn bè, thầy cô xung quanh, tạo môi trường, áp lực học tập để mình luôn giữ được mạch cố gắng, phấn đấu.
“Ở nhà tự ôn thi, các em không có ai đốc thúc, áp lực là tự thân. Nếu ý thức tốt, xác lập đúng thái độ, thí sinh sẽ đạt kết quả thi lại tốt và ngược lại, kết quả sẽ không tốt”, thầy Ngọc nói.