Dược liệu ngâm chân trị mất ngủ

Bàn chân là hình ảnh thu nhỏ của cơ thể với 62 khu phản xạ, nơi khởi đầu và kết thúc của 6 đường kinh, tập trung rất nhiều đầu dây thần kinh và các huyệt vị, được mệnh danh là “trái tim thứ hai” của nhân thể.

Thời hiện đại, khi nhịp sống và làm việc quá nhanh và căng thẳng, mất ngủ là chuyện không hiếm gặp. Lúc này, những biện pháp giàu tính tự nhiên của y học cổ truyền như xoa bóp, bấm huyệt, tập luyện khí công dưỡng sinh…có vai trò khá hữu hiệu, trong đó không thể không kể đến phương pháp ngâm chân trước ngủ mà đông y gọi là Dược dục liệu pháp.

Dược liệu đơn giản giúp giấc ngủ ngon

Nước ấm: Nước ấm tự nhiên 1 chậu, ngâm cả hai chân trong 20 phút, mỗi ngày 1-2 lần nhưng nhất thiết phải có 1 lần trước khi ngủ tối. Tùy theo điều kiện thời tiết và tính mẫn cảm của từng người, nhiệt độ nước ngâm vào khoảng từ 38 – 43oC. Có thể cho thêm vào chậu nước ngâm một chút muối hạt.

Ngải cứu: Lấy một nắm lá ngải cứu tươi rửa sạch rồi đem sắc với 2 - 3 lít nước trong khoảng 5 - 10 phút. Đổ nước ra chậu, pha thêm một ít nước mát sao cho nhiệt độ đủ ấm để ngâm chân. Tiến hành ngâm chân khoảng 15 - 20 phút. Để gia tăng công dụng, có thể sử dụng phần bã để chà xát nhẹ nhàng dưới bàn chân, điều này sẽ giúp kích tăng cường tuần hoàn máu và làm thông kinh mạch.

Gừng tươi: Rửa sạch 2 củ gừng tươi, đập dập rồi đem sắc cùng với 2 lít nước trong 10 phút. Đổ nước sắc ra chậu, hòa với 2 thìa cà phê muối, pha thêm một ít nước lạnh cho nước có độ ấm vừa phải rồi ngâm chân chừng 15 - 20 phút.

Vỏ quế: Lấy 100g vỏ quế khô (Nếu không có vỏ quế khô, có thể sử dụng lá quế hay quế chi để thay thế) đập vụn rồi đem sắc cùng với 3 lít nước trong 7 - 10 phút. Đổ nước ra chậu, pha thêm một lượng nước mát cho đạt độ ấm vừa phải. Tiến hành ngâm chân từ 15 - 20 phút.

Ngô thù du: Ngô thù du 20g, dấm gạo lượng vừa đủ. Sắc kĩ ngô thù du lấy nước bỏ bã rồi hoà thêm dấm gạo, ngâm cả hai chân trong 30 phút, mỗi ngày 1 lần trước khi ngủ tối. Theo y học cổ truyền, công thức này có tác dụng làm cho hai tạng Tâm và Thận giao hòa được với nhau, từ đó làm cho giấc ngủ có chất lượng hơn.

Cúc hoa: Từ thạch 20g, sinh long cốt 15g, cúc hoa 15g, hoàng cầm 12g, dạ giao đằng 20g. Tất cả các vị đem sắc lấy nước ngâm chân mỗi tối trước khi đi ngủ trong 30 phút. Công thức này rất thích hợp cho những người bị mất ngủ kèm theo đau đầu, hay có cơn bốc hoả, trong ngực bụng cồn cào, bức bối không yên…

Chú thích ảnh: Ngâm chân thảo dược là phương pháp trị bệnh độc đáo, thuộc phạm vi “Dược dục liệu pháp” của y học cổ truyền - Ảnh minh hoạ

Chú thích ảnh: Ngâm chân thảo dược là phương pháp trị bệnh độc đáo, thuộc phạm vi “Dược dục liệu pháp” của y học cổ truyền - Ảnh minh hoạ

Bàn chân là sơ đồ thu nhỏ của cơ thể

Ngâm chân thảo dược là một phương pháp trị bệnh độc đáo, thuộc phạm vi “Dược dục liệu pháp” của y học cổ truyền. Phương ngôn có câu : “Người thì có chân, cây thì có rễ”, cũng như nhiều bộ phận khác của cơ thể, bàn chân được ví là sơ đồ thu nhỏ của cơ thể với 62 khu phản xạ, nơi khởi đầu và kết thúc của 6 đường kinh, tập trung rất nhiều đầu dây thần kinh và các huyệt vị liên quan đến toàn bộ cơ thể, từng được mệnh danh là “trái tim thứ hai” của nhân thể.

Chính vì vậy, từ xa xưa, cổ nhân đã sử dụng nhiều phương thức tác động lên bàn chân để phòng chống bệnh tật, nâng cao sức khỏe và kéo dài tuổi thọ như day, châm, bấm, nắn…, trong đó có việc ngâm chân bằng dịch thuốc chế từ các thảo dược để chữa trị nhiều chứng bệnh khác nhau.

Để làm tăng công dụng tĩnh tâm an thần, trong khi ngâm chân nên kết hợp với thư giãn, toàn thân thả lỏng, thở đều, nhẹ và sâu. Sau đó, có thể dùng các ngón tay day ấn vùng thái dương, miết vùng trán và xoa xát vùng gáy trong vài phút.

Đương nhiên, việc điều chỉnh chế độ làm việc và nghỉ ngơi, chủ động điều tiết đời sống tình cảm, hạn chế đến mức thấp nhất các yếu tố làm căng thẳng thần kinh...là không thể thiếu được.

Những người có bệnh lý về mạch máu như tắc nghẽn động mạch, suy giãn tĩnh mạch; Bệnh nhân bị tiểu đường, phụ nữ mang thai hoặc đang hành kinh, người có sức khỏe suy yếu, huyết áp thấp, trẻ bị mất ngủ ở tuổi dậy thì không nên sử dụng phương pháp này.

Nên ngâm chân sau bữa ăn ít nhất 30 phút. Nhiệt độ nước ngâm chân từ 38 đến 43 độ C, không nên vượt quá 45 độ C. Không nên ngâm chân quá lâu, tốt nhất chỉ nên ngâm từ 15 - 20 phút. Thời gian ngâm chân tốt nhất vào khoảng 8 - 9 giờ tối.

Sau khi ngâm chân không nên đi ngủ luôn, nên lau khô chân, thư giãn tinh thần trong mươi phút, sau đó mới lên giường đi ngủ. Nên ngâm ngập cổ chân, trên mắt cá khoảng 2cm.

ThS.BS Hoàng Khánh Toàn (Nguyên chủ nhiệm khoa Đông Y, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108)

Theo Đời sống
back to top