Bếp cũng cần sáng
KS Nguyễn Văn Hùng, Công ty TNHH Điện lạnh Ánh Sao cho biết hệ thống ánh sáng nhà bếp là phục vụ cho việc chuẩn bị thực phẩm, nấu nướng và dùng bữa của gia đình. Vì thế, ánh sáng nhà bếp cần được thiết kế sao cho mang lại cho con người sự thoải mái và tiện dụng nhất. Hãy đảm bảo căn bếp của bạn luôn được chiếu sáng với cường độ ánh sáng vừa phải, dễ chịu, không gây nhức mắt hoặc cảm giác u ám, bí bách.
Thực tế cho thấy, tại nhiều căn bếp xảy ra hiện tượng sử dụng sai màu ánh sáng, chọn đèn sai, chỗ mắc và cách mắc cũng sai. Việc này không chỉ làm tiêu tốn điện năng mà còn ảnh hưởng đến việc chế biến và thưởng thức món ăn. Ví dụ, việc mắc sai bóng đèn ở khu vực nấu khiến cho người đứng nấu bị sấp bóng hoặc không nhìn rõ thực phẩm trong chảo. Tương tự, ở khu vực bàn ăn bóng đèn có độ rọi sáng trên mặt bàn thấp khiến cho người ngồi nhìn thấy món ăn nhưng không thể nhìn kỹ món ăn đó như thế nào.
Theo KS Nguyễn Văn Hùng, việc chiếu sáng chuẩn phải thực hiện ngay từ khi thiết kế. Tùy vào diện tích phòng bếp, mục đích sử dụng để có được phương án thiết kế hợp lý. Tuy nhiên nên xác định và khoanh vùng khu vực nào cần tập chung ánh sáng nhiều hơn, như khu vực nấu nướng và khu vực bàn ăn cần ánh sáng hơn những khu vực khác để đảm bảo tiết kiệm điện năng và sử dụng ánh sáng đèn hiệu quả.
Ngoài ra cũng cần chọn đúng loại đèn cho từng khu vực và mục đích sử dụng. Ví dụ ở khu vực bếp nấu và bồn rửa bát cần được chiếu sáng thấp nên hệ thống đèn có thể bố trí ở phía dưới kệ bếp treo hoặc lắp kèm trong máy khử mùi. Ánh sáng đèn từ phía dưới tủ bếp cũng có thể soi sáng cho bề mặt bàn làm bếp giúp người nấu ăn nhìn rõ khi nấu nướng.
Ngoài việc sử dụng các loại bóng đèn, thì cũng nên chú ý đến việc tận dụng ánh sáng tự nhiên vừa tiết kiệm được điện năng, vừa mang được không khí trong trẻo và ánh sáng tươi mới từ bên ngoài.
Đừng quên cây xanh
Bạn đã bao giờ tự hỏi có nên trồng cây trong nhà bếp? Đó có phải là không gian phù hợp để trồng cây hay không? Theo KS Nguyễn Phan Sơn, Công ty CP tư vấn thiết kế nội thất Hoàng Gia câu trả lời là bạn hoàn toàn có thể trồng cây xanh trong nhà bếp. Nó vừa làm đẹp phòng, đồng thời giúp lọc không khí, thậm chí cây xanh giúp kích thích tinh thần tươi vui, tạo cảm giác ngon miệng…
Bạn có thể trồng lô hội, trầu bà vàng, vạn niên thanh, dương xỉ… Đây đều là những loại cây dễ trồng bởi chúng chịu được ánh sáng yếu trong nhà lại ít rụng lá, không phát triển nhanh để tránh phải cắt tỉa thường xuyên rất thích hợp trồng và làm đẹp cho nhà bếp. Ngoài ra, bạn có thể trồng các cây gia vị nhà bếp như húng quế, ớt, tỏi, hành lá, gừng... Tuy nhiên, những loại cây này bạn nên trồng chỗ có ánh sáng và có gió. Cửa sổ bếp là nơi thích hợp để trồng các loại cây gia vị này. Sự có mặt của các cây gia vị không chỉ giúp tạo ra khoảng xanh cho căn bếp mà còn tạo ra nguồn gia vị rất quan trọng cho các món ăn.
Bố trí đồ đạc khoa học
Theo các chuyên gia, để căn bếp sạch sẽ, việc bố trí đồ đạc cũng là một khâu vô cùng quan trọng. Bếp có nhược điểm là rất nhiều đồ lặt vặt từ xoong, nồi, bát đĩa, dao, thớt, đến thùng đựng rác, thùng đựng gạo… Đấy là chưa kể đến lò vi sóng, lò nướng, tủ lạnh…
Điều quan trọng là với nhiều đồ đạc như thế, nhưng bạn phải bố trí sao cho căn bếp được gọn gàng, tạo sự thông thoáng cũng như tính khoa học trong sử dụng. Theo đó, với dao kéo, thớt… cần có khu vực để riêng tránh vứt mỗi nơi một thứ. Với tủ/kệ đựng bát đĩa, khoảng 2 tháng bạn nên sắp xếp lại, những loại bát đĩa nào ít dùng đến bạn để lên ngăn trên cùng.
Với xoong chảo nến không có ngăn tủ đựng riêng, bạn có thể làm giá để treo chúng lên vừa gọn gàng vừa tránh được va quệt. Các loại đồ phế thải có thể tận dụng lại được như chai lọ, túi nilon bạn cần rửa sạch có khu vực để riêng tránh tình trạng tiện chỗ nào vứt chỗ đấy. Ngoài việc sắp xếp đồ đạc, việc lau dọn để căn phòng sạch sẽ thơm tho cũng là điều cần thiết. Hãy vệ sinh hàng ngày khu vực nấu ăn, bát đĩa, xoong chảo cần rửa ngay sau mỗi bữa ăn…