Nhiễm độc
Theo GS.TS Phùng Đắc Cam, Viện Vệ sinh Dịch tễ TƯ, rất nhiều đồ dùng trong bếp nhiễm vi khuẩn. Đây là một nguồn gây nên tình trạng ngộ độc và nhiễm độc về lâu dài đối với cơ thể. Điển hình như thớt, chậu rửa, nồi niêu, thậm chí là chiếc giẻ rửa bát, chiếc khăn lau bàn…
Chúng ta vẫn luôn nghĩ chậu rửa là nơi “vô hại” vì chúng ta dùng để rửa thức ăn, đồ dùng. Nhưng đây thực sự là dụng cụ bẩn, chứa nhiều vi khuẩn nhất. Những điểm cáu bẩn ở thành chậu hay lỗ thoát nước, dụng cụ lọc rác… chính là một ổ vi khuẩn mà mắt chúng ta không nhìn thấy.
Tương tự, miếng giẻ rửa bát, khăn lau bát… cũng có thể là nguồn gây bệnh cho bữa ăn nếu không được vệ sinh sạch sẽ. Khăn lau xong vài ngày mới giặt, miếng giẻ rửa bát ướt sũng, nhớt… cũng là một ổ vi khuẩn “tàng hình” sau đó lại lây ngược lại khi chúng ta dùng chúng để rửa, lau đồ dùng.
Thớt cũng là dụng cụ nhà bếp có thể gây nguy hiểm, nếu không được vệ sinh đúng bởi đây là dụng cụ để thái thức ăn, nhất là thức ăn sống nên dễ bị nhiễm khuẩn. Bởi thực phẩm như thịt, cá sống, đặc biệt là thức ăn bị ôi thiu có chứa nhiều loại vi khuẩn cùng nấm mốc. Khi sử dụng thớt để thái vô hình chung truyền vi khuẩn, nấm mốc đó xuống thớt. Nên nếu vệ sinh không sạch thì thớt sẽ là nơi phát triển vi khuẩn mạnh lên…
Ông Nguyễn Thành Vinh, Công ty Vệ sinh Nhà sạch cho biết thêm, không chỉ vệ sinh thiếu sạch sẽ, ngược lại đôi khi việc lạm dụng hóa chất tẩy rửa cũng khiến các dụng cụ phục vụ bữa ăn bị “độc”.
Thực tế, để xoong, nồi, bát, đĩa sạch sẽ, hầu hết mọi người đều dùng đến nước rửa bát, hay để lau chùi bếp, bàn bếp, người dân sử dụng các loại hóa chất tẩy rửa. Việc sử dụng các loại nước tẩy rửa, khử mùi này có ưu điểm là tạo ra một căn bếp thơm thơ, đồ dùng sạch sẽ. Tuy nhiên, nhược điểm của chúng cũng nằm ở đấy.
Ví dụ, để rửa sạch dầu mỡ và các chất bẩn bám chặt, các nhà sản xuất phải sử dụng đến các chất tẩy rửa mạnh. Điều đáng nói, nước càng đậm đặc, tạo bọt nhiều càng dễ độc hại. Bởi có nồng độ cao nên nếu không rửa thực sự sạch, chỉ cần bám dính một ít trên bề mặt bát đĩa cũng đã gây độc.
Các hóa chất tồn dư trên đồ dùng sau đó dính vào thức ăn và đi vào cơ thể. Hóa chất sẽ phân tán ra từ đó gây nên các dị ứng, nhiễm độc về lâu dài.
Đặc biệt, vị chuyên gia cũng cho rằng, nếu không dùng hóa chất để làm sạch cũng có những nguy cơ mà người dùng phải đối mặt. Đó là các chất bẩn không được đánh bay thực sự. Điều này dẫn đến cảm quan đồ dùng không sạch, thức ăn bám dính mà mắt thường không nhìn thấy sẽ bị phân hủy, nấm mốc… Đây là những thứ độc hại không kém hóa chất về lâu dài. Thậm chí còn gây ung thư cho người dùng.
Ông Nguyễn Thành Vinh: Ngoài ra, để đảm bảo các vật dụng sạch, nước nóng cũng làm một giải pháp. Từ nồi niêu, xoong chảo, đến thớt, bát đũa, hay cả giẻ lau, giẻ rửa bát… đều có thể được làm sạch với nước nóng. Nước nóng không chỉ giúp làm sạch các vết bẩn, dầu, mỡ bám trên đồ dùng mà còn giúp đồ dùng khô nhanh chóng.
An toàn không khó
Các chuyên gia cho rằng, việc giữ cho các vật dụng trong nhà bếp không có gì khó. Thứ nhất, sau mỗi lần nấu nướng hãy vệ sinh sạch sẽ nhà bếp không chỉ là bát đũa, xoong chảo mà còn chú ý đến khăn lau, giẻ rửa bát, bồn rửa bát… là những thứ chúng ta ít để ý. Thứ hai, bạn tránh tâm lý phụ thuộc vào các chất tẩy rửa và làm sạch có nguồn gốc tổng hợp từ hóa chất.
Tránh ham rẻ, mua hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Khi dùng hóa chất tẩy rửa, cách tốt nhất cần hòa loãng và thấm bằng miếng bọt biển, lưới để rửa. Sau đó ngâm đồ dùng đã có nước rửa vào chậu nước to nhằm pha loãng lần nữa và rửa dần dưới vòi nước xối.
Mặt khác, bạn cũng có thể thay thế các chất tẩy rửa sinh hoặc tự tạo các chất tẩy rửa bằng các vật liệu tự nhiên như bồ hòn, giấm, chanh… Tuy nhiên, những sản phẩm này cũng phải lưu ý đến độ an toàn. Bởi không phải sản phẩm thiên nhiên nào cũng an toàn bởi trong quá trình sản xuất, sử dụng, chính chúng lại bị nấm mốc, nhiễm vi khuẩn dẫn đến độc hại không kém.