Thử để biết độc tố
Thời gian gần đây, nhiều chị em nội trợ lại truyền tai nhau phương pháp phát hiện độc tố trong quả táo. Theo đó, táo là loại quả có nhiều khả năng bị nhiễm hóa chất bảo quản nhất, trong khi nó lại là một trong những loại trái cây được nhiều người yêu thích.
Để những trái táo có thể tươi mọng từ lúc thu hoạch người ta phải dùng các phương pháp bảo quản. Trong đó, không thể không kể đến những loại hóa chất độc hại có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe người sử dụng. Để biết quả táo có bị nhiễm độc chất không, chỉ cần dội nước sôi lên quả táo.
Để một lúc. Nếu bên ngoài vỏ táo xuất hiện lớp màng màu trắng chứng tỏ quả táo đã được bảo quản bằng hóa chất. Màu càng trắng, càng dày, thì hóa chất càng nhiều.
Không chỉ dùng để kiểm tra táo, nhiều chị em còn áp dụng sang nhiều loại quả nhấp khẩu khác như dưa, cam, lê, xoài, ổi…. thậm chí là có người còn áp dụng với cả rau ăn. Bà Lê Bích Hợp (Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, trước khi cho rau củ vào nấu, bao giờ bà cũng lướt nhanh chúng qua nước sôi để giảm độc tố. Nếu nghi ngờ rau có mùi hắc, khi mua về bà nhúng một hai ngọn rau vào nước sôi ngay. Nếu bốc mùi thuốc trừ sâu, lá rau có phấn trắng… là bà bỏ đi, không ăn nữa.
PGS.TS Trần Hồng Côn, khoa Hóa, ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội cho biết, việc sử dụng nước sôi để nhận biết độc tố trong rau quả là phương pháp không có cơ sở khoa học. Có nhiều loại rau quả khác nhau với nhiều cách bảo quản khác nhau. Đặc biệt là rau quả nhập khẩu người ta có thể bảo quản bằng nhiều loại màng sinh học, polyme… để chống khuẩn.
Nước sôi không phải là chất chỉ thị để đoán biết độc tố, trong khi lại dễ gây ra hiểu lầm. Đó là cách làm phản khoa học. Chưa nói đến việc ngâm qua nước sôi khiến rau quả mất đi nhiều dưỡng chất, mùi vị không còn ngon nữa nên chúng trở thành đồ ăn không còn bổ dưỡng với con người.
“Hầu hết trái cây nhập khẩu phải được bảo quản bằng một phương pháp nhất định để giữ chúng tươi lâu. Nếu chúng được nhập khẩu chính ngạch thì cũng đã được kiểm tra về độ an toàn nên không có gì phải lo lắng”, PGS.TS Trần Hồng Côn cho biết.
Không có chất bảo quản, khó mà tươi ngon
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học – Công nghệ thực phẩm, ĐH Bách khoa HN cho biết, táo được nhập khẩu từ những nước tiên tiến thường được sử dụng lớp màng có tên là chitosan. Đây là lớp màng rất tốt, rất tiên tiến. Khi cho vào nước, màng sẽ tự tan ra, nhìn giống như sáp ong. Nếu để nhận biết táo có phủ sáp hay không bằng nước nóng thì có thể nói đây không phải là kinh nghiệm dân gian.
Táo tươi hoàn toàn không sử dụng chất bảo quản gì mới là loại táo đáng lo ngại. Bất cứ vào thời điểm nào, ở đâu, khi đã có sự giao lưu thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm tươi sống thì đều phải có quá trình bảo quản. Việc sử dụng hoa quả nhập khẩu đương nhiên có chất bảo quản.
Nếu không, với điều kiện vận chuyển, thu hái, chỉ một vài ngày là quả bị héo, thối, ủng. Do đó có thể khẳng định, nếu không có chất bảo quản thì thực phẩm khó mà tươi ngon.
“Vấn đề là sử dụng chất gì để bảo quản. Đừng có sẵn định kiến rằng rau quả có thuốc bảo quản là không tốt cho sức khỏe. Bên ngoài vỏ quả nhập ngoại thường có lớp màng sẽ tan trong nước khi rửa. Trong lớp màng ấy thường chứa những chất khác giúp quả tươi lâu hơn, đồng thời giữ nguyên giá trị dinh dưỡng của quả.
Khi ăn táo, bạn chỉ cần rửa sạch, sau đó gọt vỏ đi là được. Cách tốt nhất để phát hiện táo nhiễm thuốc trừ sâu hay không đòi hỏi phía cơ quan nhà nước cần quản lý chặt chẽ hơn trong việc nhập ngoại trái cây, thực phẩm nói chung để người dân luôn cảm thấy an toàn”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết.
“Để rửa sạch các chất bảo quản có trong rau củ, nên sử dụng giấm, banking soda, muối… hòa vào nước để ngâm. Tuyệt đối không ăn mà chưa rửa”, PGS.TS Trần Hồng Côn.
Bảo Khánh