Rau củ quả trị bệnh
Rau má: có vị đắng tính hàn. Tác dụng, thanh nhiệt dưỡng âm, giải độc, lợi tiểu. Chữa ngoại cảm nội thương, nóng sốt, ho đau họng, viêm đường hô hấp, mụn nhọt. Dùng dưới dạng phối hợp cá chép hoặc cá rô, cá lóc, thịt ngao, thịt nạc bầm gia vị vừa đủ nấu canh ăn, hoặc luộc, xay sinh tốt uống.
Rau diếp (xà lách): có vị ngọt hơi đắng tính hàn, không độc, tác dụng thanh nhiệt, tiêu độc, dưỡng âm, nhuận trường, an thần. Chữa các viêm nhiễm phát sốt đau họng, mụn nhọt, tắc tuyến sữa, mụn nhọt sưng nóng đỏ đau. Dùng dưới dạng ăn sống, nhúng lẩu, sốt cà chua thịt bầm, hoặc luộc ăn, xay sinh tố uống.
Diếp cá (ngư tinh thảo): có vị cay, tính mát, hơi có độc, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, dưỡng âm, thông tiểu, tiện. Chữa các chứng viêm nhiệt đau họng, viêm tai, chốc đầu, đầu ghẻ lở, trĩ táo bón, mụn nhọt có sưng nóng đỏ đau. Dùng dưới dạng ăn sống, hoặc xay ép nước, sắc nước uống.
Giá đậu: có vị ngọt tính mát, tác dụng thanh nhiệt, sinh tân, tiêu độc, chỉ khát, thông ứ. Chữa ngoại cảm nội thương ho đau họng khàn tiếng, nóng sốt mệt mỏi. Dùng dưới dạng ăn sống, luộc ép nước uống, hoặc ăn lẩu, canh chua cho nhiều giá đều tốt.
Rau tần ô (cải cúc) vị hơi đắng the, mùi thơm, tính mát, tác dụng kiện tỳ vị, tiêu đàm, giáng hỏa. Chữa đau họng cấp mạn tính, phế ho đàm nhiều ho khan, ho đàm, sốt đều tốt. Dùng dưới dạng phối hợp cá khoai, cá lóc, cá thát lát, thịt heo gia vị vừa đủ nấu canh ăn.
Cải canh (cải bẹ xanh): vị cay tính mát, tác dụng kiện tỳ hóa đàm, mát phế, tiêu viêm, thông lợi khoan khoái trong hông ngực. Chữa ngoại cảm nội thương nóng sốt, ho thở, đau họng, viêm đường hô hấp trên. Dùng dưới dạng phối hợp cá diếc hoặc cá lóc, cá rô, cá chép gia vị nấu canh ăn.
Rau càng cua: vị cay mát, không độc, tác dụng, thanh nhiệt, tiêu độc, dưỡng âm huyết, thông ứ, tiêu viêm. Chữa các chứng viêm nhiễm mụn nhọt, đau họng, viêm a mi đan, đinh râu, chích mé, viêm tuyến vú, hạch kết có sưng nóng đỏ đau. Dùng dưới dạng dùng 100g hoặc hơn ăn tươi, ăn lẩu, xay nước uống đều thích hợp.
Mướp hương: có vị ngọt, tính bình, không độc. tác dụng thanh nhiệt, hóa đàm, thông ứ tiêu viêm. Chữa phế vị nhiệt, ho đau họng, mụn nhọt, táo bón, nóng sốt, mệt mỏi. Dùng dưới dạng phối hợp rau mùng tơi, rau đay, thịt cua, tôm, tép gia vị vừa đủ nấu canh ăn.
Mướp đắng (khổ qua): có vị đắng tính mát, không độc, tác dụng thanh nhiệt dưỡng âm, thanh thử sáng mắt, giải độc. Chữa viêm nhiễm nóng sốt, mụn nhọt, viêm họng, viêm amidan. Dùng dưới dạng bỏ ruột nhồi thịt, nấm mèo, đậu phụ gia vị vừa đủ nấu canh, hoặc xào, luộc ăn.
Cải củ: vị cay ngọt lá hơi đắng, tính bình không độc, tác dụng làm long đàm tiêu thức ăn, tán phong tà, thông ứ, thông tiểu dắt, (lâm lậu) trừ bệnh lỵ. Chữa các chứng mụn nhọt, hạch kết, trĩ, polip, họng sưng đau. Dùng dưới dạng phối hợp khoai tây, cà rốt, xương thịt động vật gia vị vừa đủ hầm nấu canh ăn.
Lương y Nguyễn Phan, Hội Đông y Vũng Tàu