Đừng làm ấm cơ thể bằng rượu

(khoahocdoisong.vn) - Theo các chuyên gia, cho rằng trời lạnh uống rượu vào sẽ khiến cơ thể ấm áp hơn là sai lầm. Uống rượu khi trời lạnh có nhiều tác hại ít người biết.

Ấm giả tạo

Trời lạnh, nhiều người cho rằng chỉ cần “nhấp” vài ba chén rượu là trong người sẽ ấm lên ngay. Bằng chứng là nhiều người sống ở các vùng núi cao, cứ vào mùa đông là uống nhiều rượu, để chống chọi với cái lạnh thấu xương, mà vẫn không sao. Rượu có khiến cơ thể ấm lên như nhiều người vẫn lầm tưởng?

Lương y Vũ Quốc Trung (Hội đông y Hà Nội) cho biết, mặc dù sau khi uống rượu sẽ thấy cả người nóng bừng như thể được tiếp thêm năng lượng. Nhưng cảm giác này chỉ là hiện tượng mang tính giả tạo, tạm thời. Cảm giác người nóng lên sau khi uống rượu là do tác dụng kích thích của rượu gây giãn mạch máu, máu lưu thông nhanh hơn. Thế nhưng điều này cũng kích thích sự trao đổi nhiệt nên khiến nhiệt lượng trong cơ thể nhanh chóng tiêu tan. Nghĩa là, ngay sau khi cảm giác giả tạo này qua đi, cơ thể sẽ trở nên “xuống sức” nhanh hơn, mỏi mệt hơn, lạnh hơn do nhiệt lượng dự trữ trong cơ thể đã bị lấy đi.

Theo Hiệp hội vì Sự tiến bộ Khoa học của Mỹ (AAAS), con người duy trì nhiệt độ cơ thể ở khoảng 37 độ C. Hầu hết lượng nhiệt này được tạo ra bởi quá trình trao đổi chất, giúp con người sống sót. Thông thường mạch máu co lại ở nhiệt độ thấp hơn để vận chuyển máu đến những cơ quan quan trọng. Rượu làm đảo ngược quá trình trên. Cơ thể người uống rượu cho rằng nhiệt độ đang tăng lên nên bắt đầu đổ mồ hôi để giảm nhiệt, điều này có thể gây ra một số tác hại nghiêm trọng.

Ngoài ra theo lương y Vũ Quốc Trung, việc uống rượu trong ngày mưa rét cũng rất dễ bị cảm, trúng gió và nhiều chứng bệnh tiềm ẩn khác. Quan trọng hơn là khi cơ thể có cồn thì não bộ sẽ phản ứng chậm hơn trong việc xử lý tình huống, từ đó khiến cơ thể bị lạnh quá mức và dễ gây nguy hiểm tới tính mạng. Nhìn một cách tổng thể, rượu không khiến cơ thể người ấm lên mà ngược lại làm hạ thân nhiệt, gây nguy hiểm cho người uống nhiều rượu.

Nên làm ấm bằng thực phẩm

BS Hoàng Xuân Đại, nguyên cán bộ cao cấp Bộ Y tế cho biết, trong rượu không hề có thành phần tạo ra năng lượng nên chắc chắn cảm giác ấm sau khi uống rượu là cảm giác giả tạo. Ngay sau đó, người uống rượu thường cảm thấy lạnh “co quắp”, rất dễ ảnh hưởng đến não bộ. Để giữ ấm trong mùa đông, không gì bằng cách sử dụng thực phẩm có nhiều đạm, đường, tinh bột vì chúng tạo ra năng lượng khá dồi dào. So với mùa hè thì nhu cầu tiêu thụ năng lượng trong mùa đông sẽ cao hơn, nên khẩu phần ăn sẽ cần được bổ sung nhiều hơn các loại thực phẩm thịt, cá, trứng, sữa, ca cao…

“Tùy từng thể trạng mà có sự điều chỉnh thực phẩm sao cho phù hợp. Ví dụ người bị gout thì không tăng lượng đạm từ thịt mà tăng cường rau xanh, tăng đạm thực vật từ đậu, củ, quả. Hay người bị tiểu đường thì không ăn tăng cường đường sữa mà ăn những thực phẩm cung cấp năng lượng nhưng lại ít đường, tránh gây ra biến chứng nặng cho bệnh. Mỗi người tự cân nhắc thực đơn dựa trên thể trạng của mình để cân đối thực phẩm trong mùa đông. Làm sao để ăn đủ, tránh béo phì nhưng lại có năng lượng giữ ấm cơ thể để học tập, làm việc”, BS Hoàng Xuân Đại cho biết.

Cũng theo BS Hoàng Xuân Đại thì khi đang làm việc, hoặc ra ngoài về cảm thấy lạnh thì có thể uống một cốc trà gừng hay một cốc socola nóng để làm ấm cơ thể. Trong các bữa ăn, nên ăn tăng cường các loại gia vị có tính nóng, ấm, cay như ớt, tiêu… Nên ưu tiên các món ăn còn nóng, tránh dùng các món nguội để cơ thể không phải sản sinh nhiệt lượng làm ấm loại thức ăn này. Với những người thích ăn đồ lạnh như kem, sữa chua… nếu cơ thể không có vấn đề gì thì vẫn có thể sử dụng. Vì dù là đồ ăn lạnh nhưng chúng vẫn có năng lượng. Chỉ lưu ý là không ăn quá nhiều.

“Mùa đông, cơ thể mất khá nhiều nước. Do đó, để giữ ấm thì cũng nên bổ sung nước thường xuyên bằng cách uống nước ấm, ăn nhiều trái cây, rau xanh để cung cấp vitamin, cũng như các loại hạt như lạc, hạnh nhân, điều, hướng dương… cũng cung cấp một lượng năng lượng đáng kể”, BS Hoàng Xuân Đại

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top