Đựng đậu phụ bằng thùng sơn nguy hiểm sức khỏe

ng đậu phụ bằng thùng sơn nguy hiểm sức khỏe là cảnh báo của chuyên gia. Việc làm này có thể

70% đậu phụ đựng từ thùng sơn

Một khảo sát nhỏ của KHĐS trên nhiều chợ thuộc Hà Nội cho thấy, có đến 70% các điểm bán đậu phụ nhỏ lẻ dùng thùng sơn đã sử dụng để đựng. Theo đó, họ đựng đậu phụ bao gồm một phần nước trong đó để đưa ra chợ. Tại đây, họ dùng mẹt để lấy các bìa đậu phụ ra cho ráo nước và bán.

Chị M. (chợ 8/3, Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ, chị bán đậu phụ mấy năm nay và dùng thùng sơn để đựng từ ngày đó đến giờ. Thùng sơn khỏe, cao thành nên đựng được nhiều mà không sợ bị vỡ… Chị không sợ độc, vì đã rửa thùng rất sạch, ngâm mấy lần nước trước đó.

Còn chị H. bán đậu tại phường Mai Động với mấy thùng đựng sơn tái chế bên cạnh cho hay, không có thùng nào tốt như thùng sơn này. Vì chúng bền từ thùng đến quai xách!

Đựng đậu phụ bằng thùng sơn nguy hiểm sức khỏe

Trao đổi cùng GS.TSKH Trần Vĩnh Diệu, chuyên gia về polyme, Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu Polyme, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, thùng sơn được làm từ nhựa sau đó cho thêm oxit nên có màu đục. Đây là nhựa dẻo, chịu va đập mạnh nhằm mục đích giữ sơn không bị ảnh hưởng hay đổ trong quá trình bảo quản và vận chuyển. Cũng vì lý do này nên thùng sơn được sử dụng tái chế. Tuy nhiên, nếu dùng để đựng các đồ dùng lặt vặt trong nhà thì rất tốt. Ngược lại dùng đựng thực phẩm lại là điều tuyệt đối không được làm.

Cụ thể, vị chuyên gia phân tích: Trong sơn có hàng chục chất hữu cơ, vô cơ, kim loại… Khi đựng sơn, các chất này sẽ ngấm vào trong thùng. Chúng cũng biến các chất xúc tác trong nhựa thành các chất độc. Sau khi đựng thực phẩm sẽ thôi dần ra ngoài. Nhất là các thực phẩm chứa axit, kiềm thì càng nguy hại.

“Nước đậu phụ có độ chua nhẹ của axit. Khi đựng vào thùng sơn sẽ khiến các chất độc thôi ra một cách từ từ. Sau đó ngấm dần vào đậu phụ. Lượng chất độc không làm ngộ độc, ảnh hưởng ngay nhưng về lâu dài sẽ tác động đến cơ thể. Tương tự thùng sơn này cũng khuyến cáo không dùng đựng nước hay muối dưa, cà…”, GS.TS Trần Vĩnh Diệu nói.

Cần quản lý chặt chẽ hơn

ThS Nguyễn Chí Dũng, Trung tâm Công nghệ sinh học và thực phẩm (Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội), đối với thùng sơn đã vệ sinh sạch, như nhìn bằng mắt thường không còn dấu hiệu của chất sơn bám dính trên bề mặt vẫn không được sử dụng cho các thực phẩm ướt, đặc biệt là thực phẩm nóng.

Hóa chất có từ sơn và bản thân nhựa của thùng sẽ ngấm vào thùng, dù đã rửa sạch vẫn có nguy cơ bị thôi nhiễm ra khi gặp các dung môi có trong thức ăn. Nguyên nhân, trong môi trường nước phân tử của nhựa, sơn sẽ dễ dàng khuynh tán vào phân tử của nước và thức ăn.

Các chuyên gia cho hay, do một bộ phận người dân chưa hiểu biết. Nhưng cũng không ít người hiểu vẫn phớt lờ sử dụng vì nhiều lý do. Họ không hay rằng, chỉ những lý do đơn giản, nhỏ nhặt của họ đã góp phần vào các nguy cơ ung thư của không biết bao nhiêu người. Bởi chỉ cần một ít từ môi trường, từ thực phẩm, từ thói quen sinh hoạt… thì các tác nhân càng tăng lên.

Đối với thùng sơn, các chất thôi ra ngấm vào đậu phụ nói riêng hay thực phẩm nói chung. Người ăn vào, các chất độc tích lũy hàm lượng tăng dần vào máu, mô mỡ, tế bào… Sau đó gây ra các bệnh có thể nguy hiểm tính mạng.

Vì thế, các chuyên gia mong muốn các đơn vị truyền thông lên tiếng mạnh mẽ. Các cơ quan chức năng vào cuộc để tư vấn, chỉ dẫn, có các hình thức để người bán hàng sử dụng thùng sơn đúng cách.

“Cần khuyến nghị họ dùng các sản phẩm nhựa chuyên dụng để đựng thực phẩm. Các loại nhựa này được sản xuất và có kiểm định, chứng nhận của cơ quan chức năng. Không dùng các vật liệu nhựa bừa bãi để đựng thực phẩm”, GS Trần Vĩnh Diệu nhấn mạnh.

Hiền Dung

Theo Đời sống
back to top