Mới đây, Bộ GTVT đã giao Ban QLDA Mỹ Thuận thực hiện thí điểm sử dụng cát biển cho dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Hậu Giang - Cà Mau.
GS.TS Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam (Hội thành viên Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cho biết, do yêu cầu kỹ thuật cho vật liệu đất đắp nền đường rất chặt chẽ nên việc tìm kiếm các giải pháp phù hợp đảm bảo nguồn cung ứng gặp nhiều khó khăn, giá thành cao. Định hướng chung là tháo gỡ khó khăn về nguồn cung ứng nhưng đảm bảo kiểm soát chất lượng, độ ổn định lâu dài và kiểm soát tổng mức đầu tư.
Theo GS.TS Hoàng Hà, các giải pháp thông thường được áp dụng trong thực tế bao gồm: Tìm kiếm loại vật liệu thay thế cho đất đắp nền đường lớp dưới; Gia cố đất tại chỗ bằng các giải pháp như dùng hóa chất, thay đổi kết cấu nền đường, cụ thể sử dụng cầu cạn cho những đoạn tuyến thích hợp. Trong đó, giải pháp thay thế vật liệu đất đắp đang được áp dụng phổ biến và đã được kiểm chứng phù hợp với thực tế xây dựng các tuyến đường giao thông trong nhiều năm qua. Giải pháp này được đánh giá là có triển vọng, đang được triển khai ở giai đoạn thí điểm.
Cát biển vốn là vật liệu sẵn có với trữ lượng rất lớn ở hầu khắp các vùng biển trên thế giới. Tuy nhiên, vật liệu cát biển thường tròn, đều hạt, kém sắc cạnh nên khi sử dụng làm vật liệu đắp nền đường sẽ khó lu lèn, khó đảm bảo tính ổn định lâu dài của nền đường khi chịu tác động của tải trọng động, nhất là trong điều kiện bị ngập nước. Vì vậy, trên thế giới hiện nay không sử dụng độc lập cát biển để xây dựng nền đường, nếu sử dụng thường phải được xử lý ổn định. Đặc biệt, cần phải áp dụng “mẹo” và các yếu tố kỹ thuật, công nghệ.