Cần phải đặt lợi ích của người học lên trên
Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Kế hoạch - Đầu tư về việc đưa "dịch vụ dạy thêm, học thêm văn hóa theo chương trình giáo dục phổ thông" vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Theo Bộ GD&ĐT, dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thực, xuất phát từ nguyện vọng của học sinh, gia đình. Tuy nhiên, ở một số nơi, tình trạng dạy thêm, học thêm sai quy định vẫn chưa được khắc phục triệt để.
Mục đích của đề xuất nhằm tăng cường công tác quản lý hoạt động này. Khi dạy thêm, học thêm được đưa vào luật, Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu quy định chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với việc thực hiện dạy thêm, học thêm trái quy định.
Thông tin này ngay lập tức đã nhận được ý kiến trái chiều từ phía dư luận. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, đề xuất này sẽ gây khó cho các giáo viên.
Trao đổi với phóng viên KH&ĐS về vấn đề này, TS Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch HĐQT trường THCS & THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, ông ủng hộ đề xuất này.
Vì bao năm qua, chúng ta vẫn chống dạy thêm học thêm nhưng tình trạng này diễn ra tràn lan, chỗ nào cũng có thể dạy thêm, giáo viên thì tùy tiện ép học sinh học thêm, rất áp lực.
Trong khi đó, cũng như các ngành nghề khác, giáo viên có quyền được phát triển nghề nghiệp của mình.
Đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện chính là để giáo viên phát huy được nghề nghiệp của mình một cách đúng luật và vẫn có thể kiếm tiền một cách công minh.
Hơn nữa, tìm ra được một con đường hợp pháp và hợp hiến để phát huy nghề nghiệp, đó cũng là xu hướng, các lĩnh vực khác cũng vậy, và giáo dục cũng phải chuẩn hóa.
“Các nước tiên tiến không dạy thêm học thêm nhiều, một số nước châu Á có dạy nhưng chuyên nghiệp hóa, không tràn lan, chui lủi, tùy tiện, ngõ ngách nào cũng dạy như ở mình. Nhất là, cô giáo chủ nhiệm mà dạy thì học sinh không thể không học.
Thực tế, các ngành nghề khác, như bác sĩ, muốn mở phòng khám cũng phải có các điều kiện kinh doanh. Giáo dục cũng vậy, phải đảm bảo dạy cái gì, dạy như thế nào, chất lượng ra sao… Phải nghĩ tới học sinh, đặt lợi ích của học sinh lên đầu. Còn với ý kiến cho rằng luật sẽ làm khó cho giáo viên, nhưng khó cũng phải làm”, ông Hòa nhấn mạnh.
Chỉ nên tổ chức dạy thêm ở trường
Trao đổi với phóng viên KH&ĐS, Đại biểu Phạm Văn Hòa (Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) chia sẻ, học thêm là nhu cầu có thật, tuy nhiên, đã xuất hiện những mặt tiêu cực xung quanh việc dạy thêm, học thêm
Thực tế, có những trường hợp hôm nay học sinh không đi học thêm ở nhà cô thì hôm sau không làm bài được. Lý do là vì, chỉ đến lớp học thêm mới được giao bài tập, làm bài.
Đó là tình trạng rất bất cập, xảy ra nhiều năm rồi. Thời xưa không hề học thêm mà học chất lượng, rất tốt. Chỉ cần học trên lớp là học sinh tiếp thu đủ kiến thức. Nhưng hiện giờ dạy thêm học thêm trở thành một phong trào lớn. Những em không đi học thêm nhiều khi rất thiệt thòi. Cho nên, phải quản lý chặt điều này.
Theo ông Hòa, nếu cho phép dạy thêm thì có thể vẫn tiếp tục tình trạng dạy tràn lan, không kiểm soát được.
Bởi vì, cho dù là kinh doanh có điều kiện, nhưng nếu muốn, giáo viên vẫn có thể làm đủ cách để đủ điều kiện dạy thêm, học sinh vẫn phải đi học thêm bằng cách này hay cách khác.
Trong khi đó, thời gian học của học sinh đã được Bộ GD&ĐT phân bổ một cách khoa học. Hiện nay, nhiều nơi học sinh cũng đã đi học hai buổi. Thời khóa biểu đã sắp xếp đủ cho học sinh nghiên cứu làm bài tập. Nếu học sinh buộc phải học thêm theo nhu cầu, khát vọng của cha mẹ, hay sự ép buộc của giáo viên sẽ dẫn tới quá tải.
“Cho nên, quan điểm của tôi là không được dạy thêm chứ không phải là kinh doanh có điều kiện. Nếu không, rồi sẽ vẫn dẫn tới tình trạng giờ học chính sẽ không chất lượng, để dành kiến thức cho lớp học thêm của thầy cô”, ông Hòa nói.
Trong trường hợp, nếu như đưa dạy thêm, học thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện, theo ông Hòa, sẽ chỉ nên được tổ chức dạy ở trường, chứ không dạy tại nhà riêng của các thầy cô. Như vậy, sẽ hợp lý hơn và bớt đi những tiêu cực, quá tải cho học sinh.
Theo Bộ GD&ĐT, quy định tại luật sửa đổi, bổ sung điều 6 và phụ lục 4 về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư năm 2014, việc cấp phép tổ chức dạy thêm, học thêm hiện nay chưa có trong danh mục hoạt động đầu tư, kinh doanh có điều kiện.
Vì thế, Bộ GD&ĐT kiến nghị đưa việc cấp phép tổ chức dạy thêm, học thêm văn hóa theo chương trình giáo dục phổ thông vào danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện để trình Quốc hội thông qua.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT đưa ra những giải pháp đã và sẽ thực hiện để giảm áp lực cho việc dạy thêm học thêm. Trong đó, chỉ đạo rà soát, điều chỉnh nội dung chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo hướng giảm tải các môn văn hóa, tăng thêm giờ học thể dục và hoạt động giáo dục thể chất.
Bộ GD&ĐT chỉ đạo các nhà trường thực hiện đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương pháp kiểm tra, đánh giá, vừa đảm bảo định hướng phát triển năng lực học sinh; tăng cường quản lý giáo viên trong việc thực hiện chương trình dạy học, thực hiện quy định dạy thêm, học thêm, nghiêm cấm cắt xén chương trình đưa vào dạy thêm hoặc ép buộc học sinh học thêm dưới bất kỳ hình thức nào.