Đốt sóng cao tần điều trị nhân tuyến giáp mới được du nhập vào Việt Nam chứ không phải là kỹ thuật mới. Tại một số nơi nói rằng đây là kỹ thuật mới và không đề cập đến tác hại của kỹ thuật này. Ở nước ngoài, đã có trường hợp sau khi đốt nhân giáp, bệnh nhân về nhà và trong đêm bị chảy máu chèn ép vào khí quản, dẫn đến suy hô hấp, mất não, việc điều trị tiếp cho bệnh nhân rất mong manh. Thường các bệnh viện - nơi trực tiếp áp dụng các kỹ thuật mới triển khai phải xin phép triển khai, thử nghiệm trên động vật, khi nào an toàn, kỹ thuật thành thạo mới được triển khai trên người bệnh. Đối với người bệnh phải tìm hiểu kỹ, tránh bị thử nghiệm, chỉ thấy cái lợi trước mắt mà không biết hậu quả xảy ra với mình.
Khi mắc bệnh tuyến giáp và không biết chắc chắn lành tính thì không được đốt (kể cả chọc tế bào lành tính cũng không được tin hoàn toàn vào kết quả này). Việc đốt có thể gây chảy máu ngay trong lúc đốt, chảy máu chậm sau khi đốt mấy ngày, dù là chảy máu chậm nhưng cấp cứu không kịp sẽ rất nguy hiểm. Nếu kỹ thuật viên có tay nghề kém, đốt vào thần kinh, khí quản, thực quản sẽ biến người lành thành người què, đó là chưa kể đến nhiễm trùng vùng cổ, loét bỏng da vùng đốt.
Hiện nay, chi phí cho các lần đốt cao, từ 22 - 30 triệu đồng mà u vẫn còn, nhân không hết, chỉ co nhỏ lại, phải đốt nhiều lần, chi phí tốn kém và tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Vì vậy, nếu bệnh nhân có nhân giáp không lớn, không có nguy cơ ung thư thì không cần mổ, không cần đốt, không cần uống thuốc. Nếu nhân nghi ngờ ung thư thì mổ sớm là cách tốt nhất trước khi di căn.
ThS.BS Mai Văn Sâm (Đại học Y Hà Nội)