Ứng dụng lazer nội mạch và sóng cao tần điều trị giãn tĩnh mạch nông

Suy giãn tĩnh mạch là một trong những bệnh ngày càng nhiều người mắc phải do thói quen sinh hoạt và công việc. Bệnh không gây nhiều biến chứng, nhưng lại ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống và thẩm mỹ…

Suy giãn tĩnh mạch khiến bệnh nhân khó đi lại

Tưởng mình mắc bệnh nghiêm trọng về máu

Anh Bùi Thế Vượng (38 tuổi, Kim Bôi, Hòa Bình) vừa được các bác sĩ  tại khoa Tim Mạch, Bệnh viện 103 thực hiện kỹ thuật mới để điều trị chứng suy giãn tĩnh mạch nông. Sau phẫu thuật, bệnh nhân không cảm thấy đau đơn, mà hồ hởi chia sẻ: Cách đây vài tháng, tôi thấy đau, tức, sưng 2 bắp chân. Nhất là lúc đứng thầy chân ngoằn nghèo, nổi cục như con giun ở các mạch máu.

Tôi lo sợ, nghĩ mình bị mắc bệnh mạch máu nguy hiểm. Sau khi đi khám, các bác sĩ nói, tôi bị suy giãn tĩnh mạch chi thể nông. Tôi uống thuốc một thời gian, bệnh không tiến triển nên đã thăm khám và được khoa tim mạch, Bệnh viện 103 điều trị bằng kỹ thuật mới. Trong quá trình phẫu thuật và sau phẫu thuật, tôi không thấy đau. Hiện nay nhìn chân không có triệu chứng nổi cục, sưng đau như trước…

TS.BS Trần Đức Hùng, Trưởng khoa Tim Mạch, Bệnh viện 103 cho biết, suy giãn tĩnh mạch, tùy vào mức độ nặng nhẹ mà có những biểu hiện khác nhau. Ban đầu, người bệnh sẽ thấy tức nặng, đau vùng cẳng chân. Khi nặng, xuất hiện búi giãn tĩnh mạch ở vùng cẳng chân, nặng hơn loét lâu liền ở vùng cẳng chân.

Nguyên nhân bệnh chủ yếu do nếp sinh hoạt, đứng nhiều, ngồi liên tục trong thời gian dài như nhân viên văn phòng, lái xe, tình trạng suy giảm chức năng của hệ van ở các tĩnh mạch. Đây là bệnh không quá nguy hiểm, nhưng ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống. Một số biến chứng nặng có thể gặp như huyết khối tĩnh mạch sâu, tắc động mạch phổi…

Kỹ thuật mới không biến chứng

Chia sẻ về ứng dụng lazer nội mạch và sóng cao tần điều trị giãn tĩnh mạch nông, BS Nguyễn Hữu Hồng Chương, khoa Tim Mạch, Bệnh viện 103 cho biết, suy giãn tĩnh mạch nông trước kia, bệnh nhân thường dùng thuốc tăng cường trương lực thành tĩnh mạch và đi tất áp lực nhằm dồn máu từ tĩnh mạch về phía tim nhiều hơn.

Tuy nhiên, phương pháp này chưa hiệu quả cao. Đặc biệt đối với những trường hợp nặng, đây chỉ là phương pháp nền, hỗ trợ điều trị. Phương pháp mới mà chúng tôi áp dụng là biện pháp can thiệp nội mạch. Các dung cụ đốt sẽ được đưa vào trong lòng tĩnh mạch, sử dụng năng lượng của lazer hoặc sóng cao tần làm tổn thương lớp nội mạch của tĩnh mạch bệnh lý. Kết quả cuối cùng là xẹp, dính các tĩnh mạch bệnh lý để máu không dồn đổ về tĩnh mạch đó nữa.

Sau khi làm kỹ thuật này, các tĩnh mạch bệnh lý sẽ sẽ xẹp làm mất các búi giãn, các triệu chứng đau tức, vùng cẳng chân sẽ giảm tỷ lệ bệnh tái phát sẽ thấp hơn các phương pháp cũ. Bệnh nhân sẽ chỉ nằm viện vài ngày, trong quá trình thực hiện kỹ thuật không gây khó chịu đau đớn cho bệnh nhân mà an toàn tuyệt đối.

Tuy nhiên, bác sĩ Chương cũng khuyến cáo, suy giãn tĩnh mạch là bệnh mãn tính, để phòng bệnh cần có một chế độ lao động phù hợp, không nên ngồi làm việc lâu, hoặc đứng lâu. Bệnh nhân cần phát hiện sớm để thăm khám, điều trị kịp thời, nên tập thể dục nhẹ nhàng…

Phạm Hằng

Theo Đời sống
back to top