Đông trùng hạ thảo không quý như ta tưởng

(khoahocdoisong.vn) - Sau khi đọc bài báo “Đông trùng hạ thảo biệt dược đắt hơn vàng hay chỉ là cú lừa thế kỷ” đăng trên các báo trích trong tờ điện tử Sina.com (tờ báo chính thống của Trung Quốc), nhiều độc giả của Báo KH&ĐS đã gọi điện hỏi về đông trùng hạ thảo, xin giới thiệu bài viết của TTND.BS Cao cấp Nguyễn Xuân Hướng.

Theo sách Trung Quốc trước đây: Đông trùng hạ thảo là một loại nấm sâu (khẩn tòa) có vị ngọt tính ôn vào hai kinh phế và thận, có tác dụng tư âm bổ thận, trị chứng ho ra máu, tự ra mồ hôi, liệt dương, di tinh, ngày dùng từ 4 - 12g. Đông trùng hạ thảo được một số sách thuốc của Trung Quốc xếp vào nhóm thuốc bổ dương gồm 28 vị, đông trùng hạ thảo được xếp vào hàng thứ 8. Đứng sau các vị thuốc: Lộc nhung, nhân sâm, tắc kè, hải cẩu pín, hải mã, nhục thung dung, tiên linh tỳ, cẩu kỷ tử… Đáng tiếc trong 40 bài thuốc bổ thận tráng dương của các danh y nổi tiếng Trung Quốc qua các thời đại, không có bài nào dùng đông trùng hạ thảo để điều trị các chứng bệnh nói trên. Phần nhiều trong các bài thuốc ấy chỉ dùng lộc nhung, nhân sâm, tắc kè, hải cẩu pín, hải mã, nhục thung dung, tiên linh tỳ, kỷ tử và một số vị thuốc khác… Không có bài nào có đông trùng hạ thảo. 

Chúng tôi đã tra cứu một số tài liệu khác thuộc loại cổ phương: Trong số đó có 9 bài thuốc bổ dương cũng không có bài nào có đông trùng hạ thảo. Rồi 13 bài thuốc bổ huyết; 8 bài thuốc bổ hư; 15 bài thuốc bổ ích; 19 bài thuốc bổ khí cũng không bài nào có đông trùng hạ thảo. Tìm hiểu các nguồn thông tin khác mới biết đông trùng hạ thảo chỉ là một món thức ăn không phải là một vị thuốc để chữa bệnh. Còn sách Việt Nam kể cả bộ Y tông tâm lĩnh của Hải Thượng Lãn Ông cũng không đề cập đến đông trùng hạ thảo là vị thuốc điều trị các chứng bệnh nói trên.

Đông trùng hạ thảo xuất xứ  từ Tây Tạng (Trung Quốc) ở một vùng khí hậu đặc biệt, có độ cao trên 4.000m. Nhưng ở Tây Tạng cũng chỉ một vài địa phương với khí hậu, thổ nhưỡng đặc biệt ấy, mới có loại nấm này. 

Hiện nay, người ta đã nuôi cấy được đông trùng hạ thảo, tuy nhiên vì không có khí trời và khí của đất đặc biệt của Tây Tạng nên chất lượng tất nhiên không thể bằng. Vì vậy, mong độc giả lưu ý không vì nghe lời đồn thổi để tiền mất tật mang.

TTND.BS cao cấp Nguyễn Xuân Hướng

(nguyên Chủ tịch T.Ư Hội Đông y Việt Nam)

Theo Đời sống
back to top