Quý III tốt, quý IV có thể xấu
Bà Nguyễn Thị Hằng, điều phối chương trình Nước và Không khí sạch của Trung tâm Phát triển và Sáng tạo Xanh (GreenID) cho biết, kết quả phân tích của GreenID cho thấy, chất lượng không khí quý III năm 2018 ở Hà Nội và TPHCM nhìn chung ở mức trung bình và tốt hơn so với quý I và II.
Điều này đúng với xu hướng diễn ra trong những năm qua, chất lượng không khí thay đổi ở những thời điểm khác nhau và thường diễn biến tốt lên vào quý II và III. Điều kiện thời tiết trong mùa mưa ở cả hai thành phố là một trong những yếu tố lý giải sự cải thiện của chất lượng không khí trong quý này.
Mặc dù tổng quan chung chất lượng không khí của quý là khá tốt, tuy nhiên theo bà Nguyễn Thị Hằng dữ liệu cho thấy xu hướng mức độ ô nhiễm tăng nhẹ qua từng tháng của quý, dự đoán chất lượng không khí có thể xấu trở lại trong quý cuối cùng của năm. Đây cũng là xu hướng đã diễn ra trong hai năm qua.
Hơn nữa, với sự tiếp tục gia tăng của phương tiện giao thông, các hoạt động xây dựng và công nghiệp, đặc biệt là số lượng tăng lên của các nhà máy nhiệt điện than xung quanh hai thành phố lớn này, vẫn còn quá sớm để kết luận rằng chất lượng không khí ở Hà Nội và TP HCM đang thực sự được cải thiện.
Bà Nguyễn Thị Hằng: Nếu có thể hãy sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Sử dụng giao thông công cộng góp phần giảm phát thải các chất gây ô nhiễm từ các phương tiện giao thông. Ngoài ra trong những ngày chất lượng không khí kém, di chuyển bằng phương tiện công cộng có thể phần nào giúp hạn chế tác động của ô nhiễm không khí so với di chuyển bằng xe máy.
Bảo vệ mình cả trong nhà và ngoài trời
Bà Nguyễn Thị Hằng cho biết: “Hiện tại, ở Việt Nam chưa có nghiên cứu nào có số liệu đo đạc về chất lượng không khí trong nhà để so sánh với không khí ngoài trời. Tuy nhiên theo quan sát của chúng tôi, những ngày không khí ngoài trời ô nhiễm cao thì chất lượng không khí trong nhà chất lượng cũng rất kém”.
Chính vì thế, trước khả năng chất lượng không khí có thể xấu trở lại trong các tháng cuối năm, người dân cần có sự chủ động để phòng tránh cả khi ở trong nhà và ngoài đường.
Với trong nhà, những phân tử ô nhiễm có thể bay vào trong nhà, do đó hãy xem xét có thể sử dụng thiết bị lọc không khí nếu bạn sống trong khu vực có mức độ bụi bẩn ô nhiễm cao. Máy lọc không khí có thể loại bỏ các hạt ô nhiễm là loại máy sử dụng bộ lọc cơ khí hiệu suất cao và chất tẩy rửa không khí điện tử, chẳng hạn như lọc bụi tĩnh điện. Tránh sử dụng thiết bị làm sạch không khí hoạt động bằng cách tạo ra ozone, điều này thậm chí còn làm tăng mức độ ô nhiễm.
Nếu không có điều kiện để mua bộ lọc cho toàn bộ ngôi nhà, hãy giữ chỗ ngủ của bạn luôn sạch sẽ. Lựa chọn thiết kế phòng ngủ với ít cửa sổ và cửa ra vào và luôn đóng chặt các cửa sổ trong phòng khi bên ngoài bị ô nhiễm nặng. Bạn sử dụng điều hòa không khí hoặc hệ thống điều hòa không khí trung tâm, nếu bạn chắc chắn rằng điều hòa không khí của bạn không hút không khí từ bên ngoài hoặc có bộ lọc khí. Nếu điều hòa có tác dụng làm sạch không khí, hãy giữ nguồn không khí sạch ấy trong phòng.
Cùng với đó hãy luôn kiểm tra bộ lọc của điều hòa để đảm bảo không khí luôn được lọc sạch. Ngoài ra, sử dụng hệ thống lọc không khí trong căn phòng và tránh sử dụng thiết bị làm sạch không khí hoạt động bằng cách tạo ra ozone, điều này thậm chí còn làm tăng mức độ ô nhiễm.
Với ngoài đường, lưu ý lớn nhất là chọn khẩu trang thích hợp. Không nên phụ thuộc vào khẩu trang chống bụi. Thông thường khẩu trang loại này được thiết kế để giữ lại các hạt bụi lớn. Loại khẩu trang này không thể bảo vệ phổi của bạn khỏi các bụi mịn như PM 2.5, các loại khăn quàng cũng vậy. Loại khẩu trang được khuyên dùng là khẩu trang N-95 hoặc P-100. Ngoài ra, bạn cần kiểm tra các khẩu trang theo quy định N-95 hoặc P-100 để đảm bảo rằng nó có thể ngăn các hạt bụi PM 2.5 và các chất ô nhiễm.