Độc hại của hóa chất giúp dâu tây tươi cả tháng

(khoahocdoisong.vn) - Dâu tây Trung Quốc được vận chuyển lậu về Đà Lạt, để cả tháng vẫn tươi như vừa mới hái, có dư lượng thuốc trừ sâu gấp 3 lần cho phép và hóa chất cực độc cho sức khỏe người dùng.

Dâu tươi rói nhờ thuốc trừ sâu

Ngày 30/7, Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Lâm Đồng) công bố kết quả thử nghiệm mẫu dâu tây xuất xứ Trung Quốc lấy từ lô hàng dâu tây của ông P.T.S. Cụ thể, qua phân tích 60 chỉ tiêu theo thông tư 50/2016/TT-BYT quy định giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong thực phẩm, có 1 hoạt chất thuốc BVTV là Abamectin có kết quả 0,063mg/kg vượt gấp 3 lần giới hạn cho phép. Trước đó, ngày 23/7, Công an huyện Đức Trọng tiến hành kiểm tra đột xuất, bắt giữ 3 xe tải chở dâu tây không rõ nguồn gốc được vận chuyển từ Cảng Hàng không Liên Khương lên TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Lực lượng chức năng phát hiện 326 thùng xốp (trọng lượng khoảng 3,5 tấn) có chữ Trung Quốc chứa dâu tây tươi.

Chủ hàng, ông P.T.S. (29 tuổi, ngụ tại TPHCM) khai, chuyên bán dâu tây trên mạng xã hội, đã mua lô dâu tây này với giá 50.000 - 60.000đ/kg để bán lại. Tuy nhiên, hóa đơn chứng từ mà S. xuất trình lại thể hiện tên chủ hàng là Nguyễn Thị Nhung, dâu được nhập từ cửa khẩu ở Lào Cai với số lượng 10 tấn vào ngày 2/7, giá chỉ 5.000đ/kg. Điều đáng nói là dâu tây nhập vào Đà Lạt được kiểm tra ban đầu có giấy kiểm dịch thực vật hợp quy nhưng có chi tiết lạ: nhập khẩu 22 ngày mà vẫn tươi như mới hái, trong thùng dâu có cả lá dâu cũng còn rất tươi.

TS Nguyễn Mạnh Khải, Khoa Công nghệ sau thu hoạch, Học viện Nông nghiệp cho biết, dâu tây sau khi thu hái bảo quản trong điều kiện nhiệt độ lạnh phù hợp cũng chỉ tối đa là 10 ngày. Việc bảo quản dâu tây khó hơn nhiều loại quả khác do ngoài yêu cầu về độ tươi còn là màu sắc. Dâu để lâu thường bị thâm, héo, trông không còn đẹp mắt. Việc bảo quản dâu bằng một loại thuốc bảo vệ thực vật chứ không phải là thuốc bảo quản rất nguy hiểm, bởi thuốc bảo vệ thực vật thì không được phép sử dụng để ăn. 

Hóa chất thuộc nhóm độc II

Theo TS Nguyễn Mạnh Khải, hoạt chất Abamectin có tác dụng đặc trị thối nhũn, héo rũ, héo xanh, thối trái, sẹo trái. Hoạt chất này thuộc nhóm độc II, thời gian cách ly tương đối dài (khoảng 7 ngày). Tuy đã được đăng kí phòng trừ sâu hại trên cây trồng nhưng hoạt chất Abamectin không có trong danh mục các hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật khuyến cáo lựa chọn để sử dụng trên rau an toàn khi cần thiết.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học – Công nghệ Thực phẩm cho biết, vì là thuốc trừ sâu nên Abamectin giúp kìm hãm enzym trong quả làm chậm quá trình thối hỏng của quả, đồng thời diệt vi sinh vật làm hỏng quả. Điều đáng nói dâu tây là loại quả ăn cả vỏ, nên khi ăn là chúng ta hấp thụ gần như toàn bộ lượng thuốc trừ sâu này. Vì ít người ăn với số lượng lớn nên việc ngộ độc có thể ít xảy ra, nhưng chất độc tích tụ trong cơ thể rất nguy hiểm. Cơ quan chức năng cần vào cuộc kiểm soát tốt hơn quá trình nhập khẩu, vận chuyển và tiêu thụ để bảo vệ sức khỏe người dùng.

Theo TS Nguyễn Mạnh Khải, không khó để nhận biết dâu tây Trung Quốc và dâu tây Đà Lạt vì chúng rất khác nhau. Dâu tây Đà Lạt quả không đồng đều, kích thước quả vừa phải, trong khi dâu tây Trung Quốc có quả rất to, đều nhau. Dâu tây Đà Lạt có màu đỏ không đồng đều, sậm màu ở thân và phần cuống hơi trắng trong khi dâu tây Trung Quốc có màu đỏ sậm rất đẹp mắt. Khi ăn thì dâu tây Đà Lạt có vị chua thanh, mùi rất thơm, trong khi dâu tây Trung Quốc thì không có vị này, ăn có cảm giác bở. Tại Đà Lạt, các nhà vườn đang trồng 7 giống dâu tây và được cấp chứng nhận "Dâu tây Đà Lạt" gồm: giống Mỹ đá, giống Mỹ hương, giống New Zealand, giống Lang Biang 2, giống Mara des Bois, giống Nhật (Toyohaka), giống Santa (Hàn Quốc). Mùa thu hoạch từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau.

Theo Đời sống
back to top