Sự phối triển tạo nên sức mạnh của tự nhiên và trời đất
BS.VS Nguyễn Văn Thắng, Chưởng môn phái Thăng Long Võ Đạo cho biết, Long Hổ là 2 linh vật trong bộ tứ linh (Long – Ly – Quy – Phượng).
Trong công phu cầm nã thủ của võ thuật thuộc thập nhị hình thì long hổ là hai sức mạnh hàng đầu. Thập nhị hình gồm 12 mãnh thú đại diện cho sức mạnh của tự nhiên, gồm: Long (rồng), hổ, xà (rắn), hạc (chim hạc), hầu (khỉ), mã (ngựa), báo, sư (sư tử), miêu (mèo), tượng (voi), gấu, đường lang (bọ ngựa).
Long Hổ biểu hiện cho sức mạnh của trời đất, là chúa tể của muôn loài. Biểu tượng của nó đã được khắc họa ở những nơi tôn kính như cung vua, phủ chúa hoặc ở những nơi linh thiêng như đình, chùa, phủ, miếu.
Phong thủy học coi biểu tượng của Long Hổ là cốt tủy của mạch, kết năng lượng và sức mạnh của đất trời, theo thế “Rồng chầu – Hổ phục”, “Long thăng – Hổ giáng”.
Trong võ thuật, các chiêu thức, đòn thế của Long Hổ quyền đã được các võ sư tổng kết, kế thừa thành bí kíp tinh hoa của võ học. Sức mạnh của Long Hổ quyền có thể khái quát qua 4 vấn đề sau:
“Sức mạnh tựa như hổ
Sắc khí tựa như rồng
Cường phong như giông tố
Tựa long hổ tranh hùng”.
BS.VS Nguyễn Văn Thắng cho biết, long hổ quyền, hổ hình quyền... là những bài quyền dựa trên các động tác mô phỏng loài hổ, long với những tính chất dũng mãnh, cường bạo nhưng cũng uyển chuyển linh hoạt...
Các thế võ này có mặt ở khắp thế giới, hầu như nước nào cũng có, môn phái, võ phái nào cũng có bài về hổ, long. Bởi long hổ không chỉ tượng trưng cho sức mạnh lớn nhất của các loài vật mà đặc biệt là sự uyển chuyển. Cốt của sự uyển chuyển của hổ, long là số 1 và hổ cũng là con vật số 1 trong sự phối hợp sức mạnh và sự uyển chuyển. Đây là điều kiện tối cần cho một võ sĩ.
Bản năng chiến đấu, sức mạnh và sự cường bạo của long, hổ đã được các nhà sư Thiếu Lâm coi đó là mẫu mực để rèn luyện võ thuật. Họ tin rằng, nếu như loài người học được, tập được các động tác của hổ thì sẽ tạo nên một sức mạnh vô biên, giúp chế ngự và bảo vệ được sự sinh tồn.
Sự phối triển sức mạnh của tự nhiên giữa nhu và cương
Sự phối triển của long hổ trong võ thuật là sự phối triển sức mạnh của tự nhiên giữa nhu và cương, giữa tĩnh và động, giữa hư và thực. Lúc khắc, lúc chế, lúc phản lúc biến, nương theo nhau, yểm trợ nhau, dung hòa và hợp nhất tạo nên sức mạnh tuyệt đối.
Các thế thuộc Long Hổ quyền được các võ sư nghiên cứu và xây dựng trên cơ sở cấu tạo, vận động của long và hổ trong tự nhiên trong sự tồn tại và đấu tranh sinh tồn của chúng. Sức mạnh của long đã vô cùng uy mãnh, lại phối triển với hổ đầy uy lực tạo nên sức mạnh tổng hợp vô song của Long Hổ quyền.
Võ thuật Long Hổ quyền được thi triển trên thân pháp của rồng, mềm mại và uyển chuyển, uốn lượn mà uy mãnh; lúc ẩn, lúc hiện, lúc thăng thiên, lúc giáng địa. Biểu hiện khôn lường còn gọi là “Bát bộ thiên long” – làm chủ trời đất, 4 phương 8 hướng.
Lúc long nhào xuống tạo nên thế địa long, lúc lướt ngang Mặt Trời tạo nên thế thủy long. Lúc vươn lên để tấn công phần đầu và các giác quan của đối phương tạo nên thế Thiên long. Lúc khóa dưới, đánh trên đối thủ tạo nên thế võ Xích long (rồng lửa).
Mượn thân pháp của long và các đòn thế nhu nhuyễn để bao vây vô hiệu đối thế. Như thế võ song long Hoán vũ (hai con rồng uốn lượn như thân trận cuồng phong). Đây là thế võ dùng bộ tay nhu để vô hiệu đòn tấn công của đối thủ, rồi chớp nhoáng tấn công đối thủ theo miếng đánh song long đả hổ. Dùng hai bàn tay theo thế hổ trảo (bàn tay hổ) vồ thẳng vào mặt đối phương, có thể là các giác quan trên mặt hoặc yết hầu, mang tai...
Võ hổ cũng có những chiêu thức, đòn thế vô cùng hiểm hóc. Như “Lão hổ phụ địa” ( hổ phục sát đất) để đợi con mồi. Thế mà các võ sư, võ sinh phục thủ để chuẩn bị tấn công đối thủ. Lúc phục thủ thì tĩnh lặng, tàng ảnh, khi tấn công thì như vũ bão, giống hệt như mãnh hổ rình mồi và săn mồi.
Có thế “Ngọa hổ xuất lâm” tức là tư thế mãnh hổ đang nằm nghỉ hay ngủ nhưng chỉ động tĩnh một chút là ra đòn tấn công đối thủ. Thế võ này được áp dụng để dụ đối phương và chớp nhoáng hạ gục đối phương khi sơ hở.
Thế võ “Ngọa hổ xuất lâm” là mãnh hổ xuống núi. Thế võ đánh từ trên cao xuống, chớp vào đỉnh đầu đối thủ, xé rách yết hầu, thái dương, vùng gáy, đều là các vùng tử huyệt rất nguy hiểm.
Các thế võ “Lão hổ thượng sơn” là mãnh hổ lên núi. Đây cũng là thế võ vô cùng lợi hại của võ hổ. Mãnh hổ dùng tốc độ và lực của hai chân sau phóng lên, dùng 2 bàn chân trước (hổ trảo) như gọng kìm găm vào vùng mạng sườn của đối phương và răng hàm cắn vào cổ họng của đối phương.
Đó là các chiêu thức cơ bản của võ thuật Long Hổ quyền. Ngoài ra, còn một số thế võ khác như lưỡng long chầu nguyệt, là thế võ luồn lách tiếp cận đối thủ và 2 tay quyền tấn công vào mang tai đối thủ. Hay thế Long thăng Hổ giáng...
Không phải ai cũng luyện được võ hổ
BS.VS Nguyễn Văn Thắng cho hay, long hổ là thể hiện sức mạnh và quyền uy với lối đánh càn lướt, tấn công dũng mãnh nên người được lựa chọn luyện võ long hổ trước hết phải là người có tâm, đức, “nhân nghĩa, trí, dũng”... không được phép dùng sức mạnh của mình để tấn công người khác.
Hơn nữa, người tập võ hổ cũng phải là người có vóc dáng vạm vỡ, to khỏe... mới thể hiện được sức mạnh của hổ. Vì vậy, riêng việc lựa chọn được người tập luyện cũng đã khó, đó là chưa kể muốn luyện võ hổ thì bản thân người luyện đã phải thực sự giỏi võ, chuyên cần và chịu được gian khổ.
Để vận dụng Long Hổ quyền có hiệu quả, các võ sư đã tu tập giỏi về võ phải tu tập tiếp một số công phu gồm: Về nội công phải luyện nội công song long thập chỉ công; Nội công lưỡng long thập chỉ công; Nội công hồ kình công; Rồi ngạch công thiết chưởng công (sức mạnh bàn tay), thiết cước công (sức mạnh của bàn chân)...; Về trang công (tập thân pháp) phải luyện bát bộ trang công, đặc biệt là long hình trang và hổ hình trang...
Ngoài các võ thuật long hổ quyền, còn có võ thuật hổ quyền. Long hổ quyền với thân pháp của rồng uyển chuyển mà linh diệu. Với thế trụ tựa thân long, tay loan như gió và thân trụ như cây, uốn lượn cuốn chặt như cây tầm gửi. Thân pháp long thật uyển chuyển và thật mềm mại.
Khác với long thuộc hỏa lấy tâm làm chủ để luyện thân, hổ hình quyền thuộc mộc chủ can luyện gân xương được coi là biểu tượng của võ học phương Đông, thể hiện sự dũng cảm, sức mạnh và uy lực. Đặc biệt hơn nữa là sự kết hợp long – hổ tạo nên thế long chầu hổ phục, long thăng – hổ giáng và với bộ tay long hổ trảo đã tạo nên sức mạnh trong long – hổ quyền.
Ngoài quyền thuật, long hổ quyền đã được các võ sư xây dựng nên các bài quyền binh khí như Long hổ đa, Long hổ chùy và Long hổ côn...
Các võ sư cho biết, muốn luyện công phu của võ, trước hết phải luyện được bộ tay, chân và thân pháp chuẩn mực. Bởi kỹ thuật căn bản trong Hổ hình quyền là hổ trảo. Hổ trảo hình thành bằng cách quặp các ngón tay theo dáng của móng cọp. Đây là một đòn tấn công thẳng, ngắn để kéo, bẻ, xé hoặc ép tới. Đích nhắm của Hổ trảo là mặt, cổ, háng, cánh tay hoặc cổ tay. Khi va chạm, ức bàn tay áp mạnh để giúp các ngón tay bấu chắc hơn, rồi bẻ quặt hoặc lôi thẳng xuống.
Để có được đôi bàn tay mà theo danh sư dạy võ hổ đã nói: “Kẻ nào tập hổ quyền mà để kẻ thù chạy thoát khỏi tay mình mà không để lại nắm da thì không phải là người học hổ quyền”. Hiện nay, ít người tập được sức mạnh như vậy. Nhưng để luyện được “hổ trảo” thì đòi hỏi người tập phải luyện tập đôi tay gian khổ từ 3 – 5 năm. Luyện đơn giản từ việc bóp đất nhào trong nước, đến bóp cát trong chảo rang nóng... rồi đấm tay vào đất, vào thân gỗ cứng...
Tương tự như vậy đối với đôi chân và hình thể. Cái khó của luyện công phu võ long, hổ vừa luyện sức mạnh cứng rắn lại phải đi đôi với mềm dẻo. Việc tập luyện như vậy rất khó vì cứng, mạnh thì không thể vì dẻo, đó là sự trái ngược nhưng bắt buộc người luyện võ phải làm được để đảm bảo sự cân bằng âm dương trong cơ thể.
Không dừng ở đó, khi đã luyện thành công vẫn đòi hỏi người luyện võ phải tiếp tục rèn luyện hàng ngày bởi chỉ dừng lại không gian khổ luyện tập thì sự mềm dẻo hay sức mạnh cũng biến mất.
“Người giỏi võ phải có “cơ duyên” bởi ngoài việc yêu thích, phải có tố chất, năng khiếu và quan trọng nhất là kiên trì khổ luyện. Tập võ, để đạt được những công năng võ thuật đều nhờ khổ luyện mà thành.
Vì vậy, võ thuật chân chính không phải là thứ trang sức cho những kẻ hời hợt, sĩ diện và lười biếng. Dù học võ đương nhiên phải biết… đánh nhau, nhưng tinh thần tối thượng của võ đạo lại chính là để tu dưỡng thân tâm, để hành đạo nghĩa. Nói cách khác, tuyệt kỹ võ công, hay điều tối thượng của võ đạo chính là tình yêu thương, chứ không phải đòn thế hiểm độc nào…”.
Đại võ sư quốc tế Lê Ngọc Quang