Chiêm ngưỡng ngôi nhà cổ tổ chức JICA Nhật Bản xác định đẹp nhất Việt NamMột trong mười ngôi nhà cổ truyền thống đẹp nhất Việt Nam được UNESCO công nhậnChuyện về ông lão 97 tuổi có 4 vợ, 16 con và ngôi nhà cổ độc nhất vô nhị.
Nhiều căn nhà lá mái thay mái tranh bằng mái ngói.
Ở Bình Định hiện đang còn khoảng 350 căn nhà lá mái, di sản vô cùng quý giá mà tiền nhân để lại. Nhà lá mái là một trong những thành phần của kiến trúc khung gỗ Việt Nam đã được thế giới công nhận và đánh giá cao. Trải qua hàng trăm năm tồn tại, những căn nhà lá mái này đã dần hư hỏng. Phong trào “săn” nhà cổ với những khoản tiền tỷ cũng đang là mối nguy ở các làng quê.
Nhà lá mái hội tụ nhiều độc đáo, người đang ở ngoài trời nắng nóng gay gắt bước vào nhà là cảm thấy mát dịu ngay, dù chẳng có máy điều hòa; hoặc đang ở ngoài trời rét căm căm mà khi bước vào nhà sẽ thấy ấm áp hẳn, dù không có máy sưởi. Căn nhà trông mộc mạc, liêu xiêu là vậy, nhưng rất vững chãi trong mưa bão. Vật liệu làm nhà toàn bằng gỗ và tre, nhưng không hề dùng đến 1 cái đinh, tất cả các thành phần được gắn kết với nhau bằng mộng, ngàm mà bền vững đến trăm năm.
Mái nhà chống trộm
Đang đi ngoài trời nắng như thiêu như đốt, cơ thể hầm hập nóng, thế nhưng khi bước vào căn nhà lá mái có niên đại gần 120 năm tuổi của cụ Quách Thanh Tâm ở thôn Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn, Bình Định), tôi thấy trong người lập tức “hạ hỏa”, bởi sự mát dịu lan tỏa bên trong căn nhà.
Dường như không khí trong gian nhà rộng mấy chục mét vuông hoàn toàn “vô nhiễm” với cái nóng bức bên ngoài. Không như căn nhà xây tôi đang ở, trời càng nắng thì 4 bức tường càng giữ nóng, đi làm lang thang xe máy ngoài trời nắng đã hoa mắt, về nhà bước vào căn phòng nóng hầm hập tựa như bước vào cái “lò” thấy còn mệt hơn. Còn đây cũng là căn nhà, cũng 4 bức tường, mà sao lại giải tỏa được cái nóng thần kỳ đến như vậy?
Thấy tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, cụ Quách Thanh Tâm giải thích: “Nhà lá mái mát là nhờ lớp dằm sịa được làm bằng tre, trát lớp đất dày nằm dưới mái nhà ngăn được nắng nóng. Vật dụng làm nhà cũng toàn gỗ nên tạo cho con người cảm giác mát mẻ”.
Cột, kèo, xiên, trính… trong nhà lá mái được làm toàn gỗ quý.
Theo cụ Tâm, nét độc đáo của nhà lá mái ở Bình Định là nhà được làm hai mái, mái trên lợp tranh, mái dưới bằng đất. Mái dưới của căn nhà được làm như la-phông bây giờ. Toàn bộ mái dưới là dằm sịa bằng tre, sau đó dùng đất nhồi rơm trát lên một lớp dày khoảng 10cm. Đây là sáng tạo của người xưa, bởi mái đất này ngoài chức năng điều hòa nhiệt độ trong căn nhà, mát về mùa hè, ấm vào mùa đông, mà còn có nhiệm vụ ngăn hỏa hoạn và đặt biệt là chống trộm.
“Bây giờ ở nhà lợp tôn hoặc lợp ngói, trộm có muốn đột nhập vào còn khó, nhà mái bằng đúc bê tông càng khó hơn; chứ ngày xưa nhà lợp mái tranh, trộm chỉ cần leo lên, vạch mấy tấm tranh ra là chui vào như không. Thế nhưng nhờ có mái đất bên dưới, nên dù trộm có vạch tranh chui vào nhà được rồi, nhưng sẽ bị mái đất bên dưới chặn lại. Nhờ đó, người xưa chỉ lo chống trộm vào nhà bằng các cửa, hoặc đào ngạch chứ không lo trộm đột nhập từ mái. Mái nhà cũng được làm rất dốc nên có thể chống chịu được mưa to”, cụ Tâm giải thích.
Búa, rìu đập không bể
Ngày xưa, tre làm nhà lá mái phải là tre thật già, 4 – 5 năm tuổi, mà phải là chủng loại tre mơ hoặc tre gai, những loài tre “chắc thịt”, ngâm dưới ao ít nhất 6 tháng mới vớt lên dùng. Gỗ cũng phải là loại gỗ tốt như trâm xe, gụ, lim, kiền kiền, sầm đá, hương, trắc… để thật khô mới mang ra sử dụng.
Thật lạ là tất cả những thành phần tạo nên căn nhà như cột, kèo, xiên, trính, đòn tay… đều được làm bằng gỗ; những thành phần này gắn kết chặt chẽ với nhau để có được ngôi nhà vững chãi, thế nhưng sự gắn kết này không được tạo ra bằng việc đóng đinh cho chúng dính vào nhau, mà được gắn với nhau bằng mộng, ngàm.
Căn nhà từ đường họ Đặng mà ông Đặng Mộng Huỳnh (SN 1937), đang trông coi ở thôn Mỹ Thuận, xã Tây Bình (huyện Tây Sơn) được xây dựng cách nay gần 200 năm.
“4 trụ gỗ giữa nhà được làm bằng cây sơn và xay, lúc 17 tuổi, tôi vòng tay ôm mới hết 1 trụ. Những đồ trang trí nội thất trong nhà như những con rồng, két, dơi hoặc quả lựu…đều làm bằng gỗ quý như trắc, thò đo mang rang, và được chạm khắc rất đẹp. Giàn cột, kèo, xiên, trính… đều sử dụng gỗ tốt như lim, sơn, sầm ná, xay, mít… Những căn nhà ở những vùng nhiều trộm cướp, cửa được làm bằng gỗ sung, thứ gỗ có đặc tính rìu chặt không tách, búa đánh không vỡ”, ông Huỳnh nói.
Vì không hề sử dụng đinh, nên ở phần gỗ ngoài việc chạm khắc sao cho sinh động, trình độ của thợ làm nhà lá mái được bộc lộ ở khâu soi đục các ngàm miệng. Những ngàm miệng này có độ chính xác cao cả về kỹ thuật lẫn mỹ thuật, rất khít khao, khi ráp vào là ôm kín, không thiếu thừa một ly.
“Nhiều chủ nhà thử tay nghề của thợ bằng cách đổ nước vào chỗ ngàm miệng lắp ghép nối cột kèo với nhau. Lúc tháo ra, nếu phần lỗ mộng bên trong vẫn khô thì đó là người thợ cao tay nghề”, ông Đặng Huỳnh kể lại.
Anh Nguyễn Hữu Trí (50 tuổi), hiện là chủ 1 xưởng mộc ở phường Bình Định (TX An Nhơn), người từng mê nhà lá mái nên đã cất công theo các lão thợ xưa học nghề, kể: “Hồi học nghề, tui thấy sư phụ làm dầm sịa mà mê mẩn. Thầy ngồi bệt dưới đất, chân đặt lên khúc tre tròn. Khi lấy mắt tre, hai bàn chân thầy xoay khúc tre lăn tròn, chân vừa xoay, tay cầm đục vữa gõ liên tục còn tay cầm chàng thì lướt nhanh trên những mắt tre; âm thanh phát ra như 1 khúc nhạc thôn dã nghe đã tai lắm. Thợ làm nhà lá mái phải có tính kiên trì, giỏi về mực thước, nhất là khi làm mộng ngàm để khi ráp mới được sít sao. Tui vốn tính nóng nảy, nhờ được trau luyện qua mấy năm làm nhà lá mái mà nay tính tình tui trở nên điềm đạm hơn”.
Theo Vũ Đình Thung (NNVN)