Nằm trên phố Ngô Sĩ Liên, phường Văn Miếu, quận Đống Đa, chùa Phổ Giác là một ngôi chùa cổ có một lịch sử thú vị khi gắn liền với những chú voi ở Hà Nội xưa.
Theo sử sách, chùa được khởi dựng bên bờ hồ Hoàn Kiếm trong khoảng năm 1770-1774, dưới thời Hậu Lê. Cái tên Phổ Giác có ý nghĩa là phổ cập và giác ngộ Phật pháp cho chúng sinh.
Do được xây trên bãi đất vốn là nơi tập trung các tàu voi của lực lượng tượng binh nhà Lê - Trịnh, chùa còn có tên là chùa Tàu Tượng hay Tàu Voi và thường được gọi ngắn gọn là chùa Tàu.
Tới khi Pháp chiếm Hà Nội và lấy đất chùa xây tòa đốc lý (nay là Trụ sở UBND thành phố Hà Nội), chùa dời xuống khu vườn của Viện Thái Y cũ, là vị trí hiện nay.
Dù không còn nằm trên đất của tàu voi cũ, dân chúng vẫn gọi là chùa Tàu và dựng tượng voi để ghi nhớ về lịch sử của chùa.
Về kiến trúc, chùa Phổ Giác được xây theo lối truyền thống với hệ thống công trình bao gồm cổng tam quan, chính điện, nhà Mẫu và nhà Tổ. Trong đó, tam quan được xây dựng theo kiểu hang đá rất độc đáo.
Khu chính điện gồm tiền đường và hậu cung. Tiền đường có bảy gian tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta. Hậu cung nằm phía sau, nối với tiền đường thành hình chữ “Đinh”.
Tòa điện Mẫu của chùa có sáu gian, gồm bốn gian thờ và hai gian tiếp khách. Nhà thờ Tổ cũng có sáu gian.
Hệ thống Tượng Phật và đồ thờ của chùa Phổ Giác rất đa dạng và phong phú với 20 tượng ở chùa chính, 11 pho ở nhà Mẫu, 6 pho ở nhà Tổ cùng nhiều hoành phi, câu đối được tạo tác tinh xảo.
Ngoài thờ Phật, thờ Mẫu như nhiều chùa khác, chùa còn thờ Tổ Phan Cảnh Điệp, một người luyện voi giỏi đã xuống tóc quy y cửa Phật thời vua Lê - chúa Trịnh.
Chùa còn lưu giữ nhiều cổ vật quý, nổi bật là văn bia Dương Võ bi kí, ghi danh ba vị có công huấn luyện voi chiến, được xem như ba tổ sư công tượng.
Vào năm 1991, chùa Phổ Giác đã được công nhận là Di tích lịch sử nghệ thuật kiến trúc cấp quốc gia của Việt Nam.
Mời quý độc giả xem video: Mâm cỗ Tết cổ truyền của người Hà Nội xưa. Nguồn: Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội.