Kỳ bí sự tích rước tượng Phật ở ngôi chùa linh thiêng nhất nhì miền Bắc

Không chỉ chứa trong mình một huyền tích hấp dẫn, chùa Thạch Long còn là một di tích lịch sử quan trọng của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Nằm ở xã Cao Kỳ, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn, chùa Thạch Long là một ngôi chùa cổ linh thiêng nổi tiếng ở khu vực miền núi phía Bắc. Sự hình thành của chùa Thạch Long gắn với một truyền thuyết mang đầy màu sắc huyền ảo.

Truyền thuyết này được dẫn lại trên Cổng TTĐT Tỉnh Bắc Kạn, theo đó, nhiều thế kỷ trước người dân xã Vi Hương - Bạch Thông xuôi dòng sông Cầu rước tượng Phật Thích Ca về thờ ở làng mình là Hoa Sơn, trên đỉnh dãy núi Phja Bjoóc.

Tượng Phật bằng vàng rất nặng nên khi ngược lên Vi Hương phải kéo bằng mảng. Đến vằng Bó Mi thuộc xã Cao Kỳ ngày nay, mảng cứ xoay tròn không sao đi được.

Trời đã tối, đêm ấy, người đi rước tượng phải căng lều ngủ tại vằng Bó Mi để hôm sau tính tiếp. Sáng hôm sau tỉnh dậy, họ hốt hoảng không thấy tượng Đức Phật đâu.

Người đi rước tượng đành thắp một bó nhang to và khấn: “Nếu ngài muốn ở đây thì con đành thuận theo ý ngài, nhưng ngài hãy cho con biết nơi ngài đang thượng tọa để con cháu đời sau thờ phụng hương khói”.

Dứt lời, bó nhang cuộn khói bay sang bên kia bờ sông, luồn mãi vào trong núi. Người rước tượng cứ đi theo khói nhang ấy và phát hiện ra một hang động tuyệt đẹp, rộng thênh thang.

Ở nơi cao nhất trong hang, tượng Phật đã ngự tọa đầy uy nghiêm. Từ đó, người dân địa phương đến đây hương khói thường xuyên, hình thành nên chùa Thạch Long. Tên gọi Thạch Long (Rồng Đá) dựa trên hình thế cổng hang có hình miệng con rồng đang há.

Không chỉ chứa trong mình một huyền tích hấp dẫn, chùa Thạch Long còn là một di tích lịch sử quan trọng của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, chùa trở thành trạm vận chuyển vũ khí và kho vũ khí bí mật của quân ta.

Ngày nay chùa Thạch Long là một trong những điểm đến nổi tiếng của tỉnh Bắc Kạn. Hội chùa Thạch Long được tổ chức vào mùng 7 tháng Giêng hằng năm, thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham quan, chiêm bái...

Theo Đời sống
back to top