Đầu vào không được thấp hơn điều kiện tuyển sinh chương trình tương ứng
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều du học sinh đã có nhu cầu trở về nước, học tập tại các trường đại học ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc chọn ngành học thế nào, điều kiện để được tiếp nhận cụ thể ra sao… là mối băn khoăn của nhiều phụ huynh và học sinh.
Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thu Thủy, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, cho biết, Bộ GD&ĐT đã rất khẩn trương đưa ra những chính sách văn bản hướng dẫn kịp thời đến các cơ sở giáo dục đại học trong việc tiếp nhận các du học sinh. Trong đó, các cơ sở giáo dục cần lưu ý hai điểm chính:
Thứ nhất, các cơ sở giáo dục đại học tiếp nhận các du học sinh cả sinh viên Việt Nam và sinh viên quốc tế có nhu cầu học tập, khả năng học tập chương trình quốc tế giảng dạy bằng tiếng Anh và những chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài có nhiều ngôn ngữ, ngoại ngữ khác nhau cần phải xem xét trường còn chỉ tiêu để tuyển sinh phù hợp với điều kiện tuyển sinh và các điều kiện đầu vào đối với sinh viên trong quá trình nhập học không. Theo đó, điều kiện đầu vào tiếp nhận cũng không được thấp hơn với điều kiện nhập học thông thường của chương trình tương ứng.
Thứ hai là căn cứ vào chương trình đào tạo, nội dung cấu trúc, yêu cầu chuẩn đầu ra và vào số tín chỉ và kết quả học tập của các em sinh viên, nhà trường có thể xem xét để chấp nhận một phần các tín chỉ hay các học phần phù hợp, từ đó tiết kiệm được thời gian học tập của em trong giai đoạn tới. Và những việc đó cũng tuân thủ theo đúng các quy chế tuyển sinh quy chế đào tạo tín chỉ và quy định nội bộ của các trường.
Vậy đối với những sinh viên trước đây, trong kỳ thi tuyển sinh ở trường đại học đã trượt đúng chuyên ngành mà hiện tại muốn quay về theo học tại trường đó thì có được tiếp nhận hay không? Trả lời câu hỏi này, bà Thủy cho biết, theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT khi tiếp nhận du học sinh, sinh viên quốc tế bất kỳ chương trình nào thì yêu cầu đầu vào không được thấp hơn so với điều kiện tuyển sinh của chương trình tương ứng.
“Nếu như sinh viên đã không đáp ứng được yêu cầu đầu vào của chương trình đó các em nên tìm chương trình phù hợp hơn với năng lực điều kiện nhập học của mình và chúng tôi cũng yêu cầu trước ngày 30 hằng tháng, các trường sẽ báo cáo về Vụ Giáo dục Đại học về tình hình tuyển sinh tuân thủ đúng các quy định”, bà Thủy nói.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội), năng lực học tập có thể thay đổi. Nếu sau một thời gian học tập ở nước ngoài, các em có thành tích học tập tốt và học tập ở các trường có uy tín thì đó sẽ là cơ sở để nhà trường xem xét các em được tiếp nhận học tập hay không.
Còn GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Phó trưởng Ban Đào tạo (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, vẫn có câu nói “học tài thi phận”, đôi khi các em học rất tốt, nhưng thi lại trượt. Đặc biệt, đào tạo là một quá trình, tuyển sinh chỉ là một khâu trong quá trình đào tạo. Hiện nay, các trường có nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau, giả sử sinh viên đó từng bị trượt vì không đủ điểm tuyển sinh, thì các em có thể sử dụng một trong các phương thức xét tuyển, đó là xét tuyển học bạ vào các chương trình liên kết. Ngoài ra, vẫn cùng trường đó, nhưng các em có thể đăng ký ở các ngành mà em đủ điều kiện đầu vào hơn.
Xem xét thứ hạng trường mà du học sinh đang theo học
Thứ hạng trường mà du học sinh đang theo học cũng là một trong những tiêu chí mà các trường đại học trong nước căn cứ để tiếp nhận các lưu học sinh. Ông Nguyễn Phong Điền cho biết, với những em đã học ở nước ngoài từ một kỳ học trở lên, trường sẽ xem xét tiếp nhận dựa vào thứ hạng trường sinh viên đang học trên bảng xếp hạng uy tín như THE để xem có thuộc cấp độ tương đương Bách khoa trở lên hay không. Ngoài ra, trường tiếp nhận dựa vào chỉ tiêu của từng ngành. Hội đồng chuyên môn sẽ đánh giá xem tín chỉ tương đương mà các em đã học để công nhận, chuyển điểm.Với những em mới nhập học vào trường ở nước ngoài mà chưa có kết quả học tập, Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ tiếp nhận thông qua đợt kiểm tra kiến thức hay xem xét điểm SAT, A-Level.Trường hợp du học sinh chỉ muốn vào trường học 3 - 5 môn, trường sẽ cấp chứng nhận đã hoàn thành môn học để trường của các em ở nước ngoài có thể xem xét công nhận.
Ông Nguyễn Tiến Thảo cho hay, quyết định tiếp nhận du học sinh đã và đang học ở nước ngoài, trường sẽ xem xét thứ hạng trường và bảng điểm để ra. Trường cũng xem xét các em muốn học ngành gì, chương trình nào, nguyện vọng là lấy bằng của trường hay chỉ theo học 1 - 2 kỳ để tích luỹ tín chỉ.
Với các em học THPT trong và ngoài nước nhưng chưa đăng ký vào một trường đại học nào, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ dựa vào kết quả học tập bậc THPT và các yếu tố tương thích với điều kiện tuyển sinh của trường như chứng chỉ SAT, ACT, A-Level, IELTS.
Đối với Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, bà Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo cho biết, Trường có mạng lưới gần 200 trường đối tác trên thế giới. Nếu là sinh viên các đại học đó, du học sinh chỉ cần xin trường tiến cử sang Đại học Ngoại thương dưới hình thức trao đổi nên rất thuận lợi. Và sinh viên không cần nộp bất kỳ khoản học phí nào. Nếu là sinh viên ngoài hệ thống đó, các em vẫn được đăng ký chương trình trao đổi một kỳ hoặc một năm, nộp phí như với sinh viên trong trường. Sau đó, nhà trường sẽ cấp một chứng nhận hoàn thành các khóa học tương ứng để có thể mang sang trường đã học công nhận tín chỉ.
Theo Bộ GD&ĐT, Việt Nam có khoảng 190.000 du học sinh đang học tập ở nước ngoài. Bộ GD&ĐT đề nghị các trường triển khai thực hiện một số công việc liên quan đến tiếp nhận du học sinh Việt Nam và sinh viên quốc tế. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các trường liên hệ trực tiếp với Vụ Giáo dục Đại học qua địa chỉ email vugddh@moet.gov.vn để được giải đáp, hướng dẫn.