Điểm vụ biến chứng sau uống thuốc nam: Coi chừng "tiền mất tật mang"

Thời gian qua xảy ra không ít trường hợp bị biến chứng nặng nề về sức khỏe sau khi uống thuốc nam không rõ nguồn gốc.
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Biến chứng nặng nề sau uống thuốc nam

Ngày 30/5, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La cho biết, vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhân L.V.A. (SN 1955, ở huyện Sông Mã) nhập viện trong tình trạng phù, bầm tím xuất huyết và căng cứng hai chân sau 7 ngày uống thuốc không rõ nguồn gốc tại nhà.

Khai thác bệnh sử được biết, bệnh nhân ở nhà thấy mệt mỏi trong người nên đã tự ý lấy lá và rễ cây trên rừng theo các bài thuốc nam dân gian truyền miệng về đun uống.

Khi uống đến ngày thứ 7 bắt đầu xuất hiện biểu hiện trên nên được người nhà đưa vào Bệnh viện Đa khoa huyện Sông Mã, sau đó bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La điều trị.

Sau khi khám và hội chẩn, bệnh nhân được chẩn đoán suy thận cấp, hoại tử ống thận do tiêu cơ vân, suy gan cấp, thiếu máu chi cấp tính do huyết khối, tiên lượng nặng, nguy cơ tử vong cao. Bác sĩ đã giải thích cho bệnh nhân và gia đình chuyển về Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục điều trị.

Kết quả chụp cắt lớp mạch máu cho thấy bệnh nhân bị tắc động mạch hai chân, không còn khả năng hồi phục nên phải cắt bỏ.

Đây không phải lần đầu xảy ra những vụ biến chứng nặng nề sau khi uống thuốc nam không rõ nguồn gốc.

Mới đây, Bệnh viện Da liễu Trung ương tiếp nhận điều trị cho 2 bệnh nhân bị dị ứng thuốc thể nặng (hoại tử thượng bì nhiễm độc) do thuốc đông y và thuốc nam.

Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân nữ, 40 tuổi, bị ung thư tuyến giáp đã phẫu thuật cách đây một năm, chưa phát hiện bệnh khác, chưa từng bị dị ứng thức ăn hay thuốc. Bệnh nhân nhập viện Khoa Bệnh da phụ nữ và trẻ em, Bệnh viện Da liễu Trung ương vì các dát thâm hoại tử trên da.

Bệnh bắt đầu 9 ngày trước khi nhập viện. Khởi phát, bệnh nhân xuất hiện các dát đỏ ngứa nhiều ở lòng bàn tay hai bên, sau 3 ngày, thương tổn tiến triển thành mụn nước, bọng nước nông, dễ vỡ, khi vỡ để lại các vết trợt.

Theo thời gian, các thương tổn có tính chất tương tự xuất hiện thêm ở lòng bàn chân hai bên, thân mình, tay, chân, hoại tử da lan rộng. Các niêm mạc không có thương tổn. Bệnh nhân đau rát nhiều.

Qua thăm khám, các bác sĩ thấy bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc được, sốt cao, thay đổi mạch, huyết áp. Xét nghiệm có tăng nhẹ men gan, rối loạn chức năng gan.

1 tháng trước khi vào viện, bệnh nhân có uống thuốc đông y để nâng cao sức khỏe. Sau khi uống thuốc được 3 tuần, bệnh nhân bắt đầu quá trình bệnh như trên.

Bệnh nhân được chẩn đoán hoại tử thượng bì nhiễm độc (hội chứng Lyell) và điều trị tích cực tại khoa, dùng các thuốc đặc hiệu (cyclosporin A) kèm chăm sóc hỗ trợ. Sau 10 ngày điều trị, thương tổn da khô, bắt đầu tái tạo thượng bì, không có bọng nước mới.

Trường hợp thứ 2 là nữ bệnh nhân 55 tuổi, nhập Khoa Bệnh da phụ nữ và trẻ em vì các dát thâm hoại tử và vết trợt da.

Bệnh diễn biến 7 ngày trước khi vào viện. Ban đầu, bệnh nhân xuất hiện dát đỏ thẫm, sưng nề vùng môi, sau đó các dát đỏ lan nhanh ra tay, chân, thân mình, hình thành thêm mụn nước, bọng nước, có sốt cao.

Khám lúc vào viện thấy dát đỏ thẫm, liên kết với nhau thành mảng, bọng nước, hoại tử da lan tỏa. Các niêm mạc không có thương tổn. Các xét nghiệm của bệnh nhân có hạ bạch cầu và tăng men gan.

Trước khi bị bệnh 2 tháng, bệnh nhân có uống thuốc nam điều trị đau khớp, sau đó có uống thuốc nam (dạng sắc), điều trị viêm dạ dày trong ba tuần. Chưa phát hiện các bệnh lý khác.

Bệnh nhân được chẩn đoán hoại tử thượng bì nhiễm độc (hội chứng Lyell) và điều trị tích cực tại khoa, dùng các thuốc đặc hiệu (corticoid toàn thân) kèm chăm sóc hỗ trợ. Sau 7 ngày điều trị, thương tổn da khô, bắt đầu tái tạo thượng bì, không có bọng nước mới.

Đừng để tiền mất, tật mang

Thông tin trên báo chí, BS Nguyễn Viết Nam, khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết thuốc nam ở các cơ sở chính thống, gia truyền từ xưa được Bộ Y tế cấp phép thì rất tốt. Tuy nhiên cũng có cơ sở không rõ nguồn gốc, trôi nổi, quảng cáo tràn lan trên mạng thì người dân tuyệt đối không nên sử dụng có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Người bệnh nên đi khám ở các cơ sở uy tín, được Bộ Y tế cấp phép để các bác sĩ theo dõi sát tình trạng bệnh của mình. Bên cạnh đó, người bệnh sau khi điều trị các triệu chứng đã ổn định cần thăm khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ.

"Việc sử dụng thuốc nam "trôi nổi" rất nguy hiểm. Khi vào cơ thể, thuốc được đào thải qua gan và qua thận. Nếu có những thành phần độc hại, thuốc sẽ làm tổn thương gan, thận, có thể gây suy gan, suy thận, có thể tử vong. Các thuốc nam được pha trộn dễ dàng cho người bệnh sử dụng, giảm triệu chứng nhanh hơn thuốc tây. Sau đó, khi bị các tác dụng phụ của thuốc, người bệnh mới phải nhập viện trong tình trạng nặng", BS Nam nói.

Theo bác sĩ, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, người bệnh cần phải tham khảo ý kiến của thầy thuốc. Người dân khi bị bệnh cần đi khám bệnh ở các cơ sở y tế để được xác định bệnh và kê đơn thuốc phù hợp, an toàn.

Để tránh tiền mất tật mang có thể nguy hiểm đến tính mạng người bệnh, các chuyên gia y tế cảnh báo, người bệnh không nên mua những loại thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Bệnh nhân nên đến cơ sở y tế để được các bác sĩ chuyên khoa chỉ định các biện pháp điều trị an toàn và tư vấn dinh dưỡng, sinh hoạt phù hợp.

Theo Đời sống
Nhiễm khuẩn huyết nguy hiểm sao?

Nhiễm khuẩn huyết nguy hiểm sao?

Mỗi năm, ít nhất 1,7 triệu người trưởng thành ở Mỹ bị nhiễm khuẩn huyết. Ít nhất 350.000 người lớn bị nhiễm khuẩn huyết tử vong trong thời gian nằm viện hoặc chuyển sang chăm sóc cuối đời. Vì vậy, cần biết về bệnh để phòng tránh.
back to top