Điểm thi tăng cao vọt
Bộ GD&ĐT vừa công bố điểm thi tốt nghiệp THPT 2020 cùng phổ điểm thi. Theo công bố này, điểm các môn thi năm nay tăng cao, điểm các tổ hợp xét tuyển cũng tăng so với năm ngoái.
Cụ thể, ở môn Toán, mức điểm nhiều thí sinh đạt được là 7,8, so với năm 2019 là 6,4, như vậy, điểm trung bình tăng hơn 1 điểm. Mức thí sinh đạt điểm 9 hơn khoảng 6 lần. Mức điểm 8 cũng tăng 2 lần. Số thí sinh đạt từ 8 điểm trở lên là 21.588, tăng gấp 3 lần so với năm 2019 (7.821). Điểm 9 cũng tăng gấp 4 lần.
Ở môn Hóa, số thí sinh đạt điểm 9 tăng gấp hơn 10 lần so với năm 2019. Môn Văn, điểm số thi sinh đạt được nhiều nhất là 7, nhiều hơn 1 điểm so với năm 2019 (6 điểm). Đặc biệt, có hai bài được điểm 10.
Môn Vật lý, mức điểm nhiều thí sinh đạt được nhất là 7,75, tăng so với 6,25 của năm 2019.
Điểm thi cao, kéo theo điểm xét tuyển đại học theo các tổ hợp cũng tăng vọt. Kết quả phân tích điểm thi theo tổ hợp 3 môn xét tuyển Toán, Vật lí, Hóa học cho thấy: Điểm trung bình là 21,46 điểm, điểm trung vị là 21,9 điểm; tổng điểm có nhiều thí sinh đạt nhất là 23 điểm.
Điểm thi theo tổ hợp 3 môn xét tuyển Toán, Hóa học, Sinh học: Điểm trung bình là 20,36 điểm; tổng điểm có nhiều thí sinh đạt nhất là 22 điểm, vọt lên so với năm ngoái là 17,05 điểm.
Điểm thi theo tổ hợp 03 môn xét tuyển Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí: Điểm trung bình là 18,5 điểm; tổng điểm có nhiều thí sinh đạt nhất là 19 điểm, tăng so với năm 2019 (15,5 điểm). Mức thí sinh đạt 27 điểm nhiều hơn 7 lần so với năm ngoái.
Điểm thi theo tổ hợp 3 môn xét tuyển Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh cho thấy: Điểm trung bình là 18,19 điểm; tổng điểm có nhiều thí sinh đạt nhất là 19 điểm.
Điểm thi theo tổ hợp 3 môn xét tuyển Toán, Vật lí, Tiếng Anh cho thấy: Điểm trung bình là 20,07 điểm; tổng điểm có nhiều thí sinh đạt nhất là 21 điểm.
Cẩn trọng trong đặt nguyện vọng, tránh trượt oan
Trao đổi với phóng viên KH&ĐS về phổ điểm năm nay, nhiều thầy cô giáo cho biết, điểm thi tăng cao sẽ kéo theo điểm chuẩn của các trường cũng tăng.
Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc, giáo viên Hệ thống Học mãi cho biết, năm nay nhìn chung đều có sự gia tăng về điểm số ở các khối thi và các môn đều có sự tăng lên, nhưng môn tăng cao nhiều tập trung ở môn Toán, Văn, Hóa học… Điểm tăng cũng phù hợp với tên gọi của kỳ thi, đó là thi tốt nghiệp THPT với mục tiêu chính là để xét tốt nghiệp.
Tuy nhiên, với sự tăng dồn hết điểm thí sinh vào vùng điểm cao như vậy, chắc chắn sẽ có những bất cập nhất định trong việc tuyển sinh đại học. Bởi phần lớn lượng thí sinh có nhu cầu xét tuyển đại học tập trung vào vùng điểm cao nên điểm chuẩn các trường sẽ tăng lên khá nhiều so với năm trước.
Điểm chuẩn sẽ tăng lên rất nhiều, đôi khi vượt ngoài sự tưởng tượng dẫn đến nếu không tìm hiểu kỹ để đăng ký nguyện vọng thì có thể sẽ bị trượt oan.
Bởi thực tế, có nhiều người thiếu thông tin. Khi thấy điểm thi tốt nghiệp cao thì cứ tự tin nộp vào trường này trường kia, trong khi điểm chuẩn của trường có thể cao lên rất nhiều.
“Cho nên, phụ huynh và học sinh cần phải tìm hiểu kỹ thông tin và đánh giá đúng tình hình, điểm chuẩn tăng như thế nào ở ngành học đó và hiểu rõ nguyên tắc xét tuyển. Đừng để như năm 2017, cũng là năm có điểm thi cao, nhiều thí sinh đã “trượt oan” bởi không lường được điểm chuẩn khi đặt nguyện vọng”, ông Ngọc nói.
Nói rõ hơn về việc tìm hiểu nguyên tắc xét tuyển, thầy giáo Vũ Khắc Ngọc cho biết, đó là sẽ ưu tiên cao nhất là điểm số, không ưu tiên thứ tự nguyện vọng. Ví dụ, cùng xét tuyển vào ngành X nào đó, một thí sinh đăng ký ngành đó ở nguyện vọng 1, một thí sinh đăng ký ở nguyện vọng 3. Nếu thí sinh đăng ký ở nguyện vọng 3 có điểm cao hơn thì sẽ được xét vào danh sách trúng tuyển trước. Khác hẳn so với nguyện vọng khi đăng ký thi vào lớp 10. Cho nên, nếu phụ huynh và học sinh không tìm hiểu kỹ thì sẽ xác định sai thứ tự trúng tuyển.
Theo thầy Ngọc, trong trường hợp mình chưa có sự đánh giá ngay được mức độ tăng điểm chuẩn của ngành chưa chắc chắn lắm, thì ngoài việc đăng ký những ngành mà mình mơ ước và hơi mạo hiểm, trong danh sách, những nguyện vọng cuối cùng phải là những nguyện vọng đủ tốt và chắc chắn, dư ra tương đối nhiều điểm. Phòng trường hợp, nếu trượt các nguyện vọng kia thì vẫn đỗ đại học.
Phải chắc chắn nhưng đủ tốt là vì, có những thí sinh chọn nguyện vọng cuối chắc chắn nhưng lại chắc quá, chọn những ngành kém hấp dẫn, khi đỗ vào đó lại cảm thấy hối tiếc và muốn thi lại, như vậy cũng rất dở. Bởi vì, mình đã chiếm chỗ của một người khác trong xét tuyển, thực sự yêu thích ngành này. Thứ hai là lãng phí cho chính mình khi nộp học phí rồi lại đi thi lại.
Về phán đoán điểm chuẩn, theo thầy Vũ Khắc Ngọc, những trường top đầu năm trước tăng khoảng 26 - 27 điểm thì năm nay dao động tăng từ 2 - 2,5 điểm. Còn những trường top giữa sẽ là những trường tăng mạnh nhất, có thể có những ngành học hot những tốp giữa, ở mức các thí sinh đạt được nhiều điểm nhất thì sẽ tăng khoảng từ 3 - 5 điểm. Điểm dao động từ 23 - 26 - 27 điểm (năm ngoái chỉ từ 21 - 24 điểm).
Theo thầy Vũ Khắc Ngọc, năm nay, có khả năng các trường sẽ phải dùng tiêu chí phụ để xét tuyển. Điều này khác với các năm trước, khi mà mức điểm phân hóa tốt thì tiêu chí phụ không phải là yếu tố quyết định. Chỉ cần tách điểm số chênh nhau khoảng 0,25 điểm là đã rõ được từng số lượng thí sinh ở từng mức điểm rồi. Ngoài ra, do điểm dồn vào vùng điểm cao như vậy, sự chênh lệch về điểm số giữa các ngành, các trường phân định không được rõ lắm. Các trường sẽ vẫn tuyển sinh được nhưng không hẳn tuyển được các thí sinh mà mình mong muốn.