Hàng loạt các trường đại học đã công bố điểm chuẩn xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT. Theo công bố này, thì điểm chuẩn năm nay tăng vọt, thậm chí, có ngành như ngành Hàn Quốc học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) có điểm chuẩn gây "choáng" ở mức 30/30 điểm đối với tổ hợp C00.
Các khối ngành kinh tế, y dược, công nghệ thông tin có mức điểm chuẩn tăng nhiều nhất trong mùa tuyển sinh năm nay.
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, điểm chuẩn ngành Khoa học máy tính thuộc nhóm ngành Công nghệ thông tin là ngành học có điểm chuẩn cao nhất là 29,04. Năm ngoái, mức điểm chuẩn vào ngành này là 27,42.
Xếp sau đó là điểm chuẩn ngành Kỹ thuật máy tính, Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo với điểm chuẩn lần lượt là 28,65.
Trường Đại học Ngoại thương, điểm trúng tuyển dự kiến của chuyên ngành Kinh tế đối ngoại - chuyên ngành có chỉ tiêu cao nhất (1.170) cho tất cả các phương thức trong toàn trường là 28,6 đối với tổ hợp A00 tại Trụ sở chính Hà Nội và 28,3 tổ hợp A00 tại Cơ sở 2 - TPHCM. Chênh lệch các tổ hợp khác so với A00 là 0,5 điểm.
Trường Đại học Y dược TPHCM, ngành y khoa có điểm trúng tuyển cao nhất là 28,45 và ngành y khoa (kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế) 27,70 điểm; ngành răng hàm mặt 28 và ngành răng hàm mặt (kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế) 27,10 điểm.
Trường Đại học Y Hà Nội, ngành có điểm chuẩn cao nhất của là Y khoa với điểm trúng tuyển là 28,9 điểm. Xếp ngay sau đó là ngành răng hàm mặt với 28,65 điểm.
Như vậy, nhìn vào bức tranh điểm chuẩn có thể thấy, những ngành được đánh giá là "hot" có điểm chuẩn tăng cao. Có những thí sinh 3 điểm 9 cũng vẫn trượt. Tuy nhiên, bên cạnh đó, lại có những ngành tuyển sinh rất khó khăn. Ví dụ, những ngành như môi trường, thủy văn, địa chất... lại ít được thí sinh chọn lựa.
Theo các chuyên gia, việc các thí sinh đổ xô đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng vào các ngành "hot" khiến điểm chuẩn đại học những ngành này đã cao lại càng cao hơn. Việc lựa chọn này là do nguyện vọng của các em và gia đình.
Tuy nhiên, nếu thí sinh chọn ngành “hot” theo trào lưu mà không tìm hiểu kỹ lưỡng về cơ hội nghề nghiệp, sự phù hợp với năng lực, hoàn cảnh của bản thân, cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình học đại học sau này, cũng như cơ hội phát triển bản thân, phát triển nghề nghiệp tương lai.