Cổng đền Sơn Hải.
Nơi thờ 5 cha con Trần Hưng Đạo
Một lần được nghe các bác trong đội dâng hương cố đô Thăng Long kể về lễ giỗ tổ họ Trần Việt Nam tổ chức tại đền Sơn Hải, Hà Nội, tôi mới có dịp biết về ngôi đền này.
Theo địa chỉ, đền Sơn Hải nằm ở số 16 ngõ 53 đường Bạch Đằng. Mà cũng thật đặc biệt, các đường phố ở đây đều mang những cái tên đã gắn với lịch sử: Từ Trần Hưng Đạo, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư… qua bên này đê là Chương Dương Độ, Hàm Tử Quan, Vạn Kiếp…
Con ngõ sâu hun hút và rộng chừng 1m, chỉ vừa cho một người đi xe máy dẫn ra đền Sơn Hải. Nhưng vào đến cửa đền phía trước là cả một không gian rộng mở nhìn ra sông Hồng. Con đường trước cổng đền cũng đã được làm rộng rãi thông ra phố Chương Dương Độ, xe ô tô du lịch có thể vào theo lối này.
Đền Sơn Hải, tên chữ là Sơn Hải linh từ nằm ở vị trí cửa ngõ sông nước phía Đông, một vùng đất chiến lược lâu đời ở Thăng Long. Theo tấm bia đá trong đền, ngôi đền được dân vạn chài bên sông lập vào thế kỷ thứ 18 (1785). Được trùng tu, tôn tạo vào các năm 1969 và 1984, trên cơ sở và vị trí khuôn viên cũ.
Đền Sơn Hải là nơi thờ Quốc công tiết chế Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, vị anh hùng dân tộc đã lãnh đạo quân dân nhà Trần 3 lần chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông, bảo vệ đất nước. Quan điểm «Thời bình phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước…» của ông luôn là tư tưởng tiến bộ, là chân lý cho mọi thời đại.
Khắp dải đất hình chữ S này, có rất nhiều ngôi chùa, đình, đền thờ đức Thánh Trần, tức là đức ông Trần Quốc Tuấn, nhưng riêng ở đền Sơn Hải thờ đủ cả bốn vị nam tử của ngài là Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn, Hưng Hiếu vương Trần Quốc Hiến, Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng và Hưng Chí vương Trần Quốc Uất. Cùng 18 vị công thần của nhà Trần như Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng, Trần Bình Trọng, Nguyễn Khoái, Lê Phụ Trần…
Phần hậu cung có thờ thân phụ và thân mẫu của Trần Hưng Đạo, Chiêu Minh vương Trần Quang Khải, Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật, công chúa Thiên Thành (phu nhân Trần Quốc Tuấn)…
Đặc biệt, trong hậu cung còn thờ tam tổ của thiền phái Trúc Lâm: Phật hoàng Trần Nhân Tông, Thiền sư Pháp Loa, Thiền sư Huyền Quang, những người đã khai sáng ra phái Trúc Lâm trong Phật giáo Việt Nam.
Đền tư nhân nên ít người biết đến
Đứng ở cổng đền Sơn Hải, phía trên có bức tượng Trần Hưng Đạo uy nghiêm đang chỉ tay ra sông Hồng, phóng tầm mắt ra xa kia nơi dòng sông cuộn chảy, rồi nhẩm đọc tên những vị danh tướng được thờ trong kia, thấy như sống dậy cả một trang lịch sử hào hùng.
Ông Trần Hồng Đức, một nhà nghiên cứu lịch sử, một trong những người đầu tiên phát hiện và viết bài về đền Sơn Hải, cho biết, đền là do những người dân chài lập nên để thờ Trần Hưng Đạo cùng những người lính đã tử trận ở đây.
Điều có ý nghĩa đặc biệt là đền nằm chính trong khu vực bến Đông Bộ Đầu, là nơi Trần Hưng Đạo thường cho luyện quân. Năm 2010, đền Sơn Hải được công nhận là di tích lịch sử văn hóa của thành phố.
Nhưng vì là đền tư nhân nên về cảnh quan vẫn còn nhiều bất cập. Ví dụ như gia đình người trông coi đền trước đây là cụ Trần Văn Hai, đến khi cụ mất con trai cụ, ông Trần Văn Sơn lên làm thủ từ và gia đình vẫn sống luôn ở đây. Thành ra giữa nơi thờ tự trang nghiêm, lại có cảnh sinh hoạt đời thường ngay bên cạnh. Chỗ này phơi quần áo, chỗ kia mấy cái xe đạp của trẻ con…
Mặt khác, cũng còn nhiều người chưa biết đến ngôi đền khá độc đáo này. Bà Quỳnh, một trong những người trông coi ở đây cho biết, người đến lễ chủ yếu là dân quanh đây. Chứ nhiều người chưa biết về ngôi đền này. Người ta đến đây chủ yếu là làm lễ, rất ít người đến để tìm hiểu về lịch sử.
Theo ông Trần Văn Kinh, Tổng thư ký Hội đồng Trần tộc Việt Nam, đền Sơn Hải là trụ sở liên lạc của hội đồng Trần tộc. Hàng năm có bốn kỳ lễ lớn: ngày 17 tháng Giêng giỗ Thái thượng hoàng Trần Thừa. Ngày 24/4 giỗ đức ông Trần Quốc Nghiễn. Ngày 20/8 giỗ Trần Hưng Đạo còn gọi là giỗ Cha. Ngày 17 tháng Chạp giỗ đức ông Trần Quốc Uất.
Mỗi dịp lễ, được chấp bút viết những bài văn tế, là dịp để ông tìm hiểu về công đức, về những đóng góp của triều Trần cho công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc. Để thêm tự hào về truyền thống hào hùng của cha ông.
Cần có một công trình xứng tầm
Bến Đông Bộ Đầu thời Trần nơi diễn ra trận đánh ác liệt nhất để bảo vệ Thăng Long, đã được xác định nằm ở bờ Nam sông Hồng, từ đầu dốc Hàng Than, Hòe Nhai kéo dài đến Vạn Kiếp, nhưng tiếc rằng đến nay chưa có một công trình xứng tầm để ghi danh cùng sử sách.
Sông vẫn cứ chảy, nhưng trên bến sông xưa nay nhà cửa phố xá đã san sát, chẳng còn thấy dấu tích xưa. Ngay trước cổng đền Sơn Hải là một bãi trông giữ xe khá lớn.
Dù có cố gắng nhưng thật khó hình dung trên khúc sông này Trần Hưng Đạo đã từng luyện quân, nơi đây đã từng thắm máu quân thù, cũng là nơi Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo lấy nước thơm tắm cho Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải, hóa giải những khúc mắc riêng, cùng một lòng đánh giặc giúp nước…
Những câu chuyện lịch sử hay như thế, ý nghĩa như thế nếu được kể ở chính nơi này thì sẽ sống động đến thế nào. Không ai có thể lãng quên. Cứ bảo vì sao người trẻ không thuộc sử Việt, trong khi một địa danh nổi tiếng như bến Đông Bộ Đầu, mà đến nay chẳng còn dấu vết, ngoài một ngôi đền do dân dựng lên.
Ở Hải Phòng, nhân dân đã công đức xây dựng khu di tích Bạch Đằng Giang rất hoành tráng, với cụm đền thờ, tượng, nhà trưng bày, quảng trường, mô phỏng bãi cọc và hệ thống sơ đồ 3 trận đánh nổi tiếng trên sông Bạch Đằng, khiến ta hình dung rất rõ về lịch sử nơi đây.
Được biết, năm 2010, Hội đồng Trần tộc Việt Nam cùng nhà đền Sơn Hải đã tổ chức đúc 9 pho tượng, gồm Tam tổ Thiền phát Trúc Lâm, đức thánh Trần Hưng Đạo, Tam tòa Thánh Mẫu, An Sinh vương Trần Liễu và đức ông Phạm Ngũ Lão.
Hy vọng, tới đây khu di tích Đông Bộ Đầu sẽ được đầu tư xây dựng và đền Sơn Hải sẽ được nâng cấp để trở thành một di tích lịch sử cấp quốc gia. Phải làm sao để mỗi người khi đến đây được hiểu hơn về ông cha mình đã, để nhìn dòng sông này, trời đất này mà biết rằng, nơi đây đã từng là một chiến trường oanh liệt chống giặc ngoại xâm.
Tuệ Minh