Đề thi THPT môn Ngữ văn 2019: Phân hóa cao, nhưng dễ gây "học tủ"

(khoahocdoisong.vn) - Theo đánh giá của các giáo viên, đề thi THPT Quốc gia môn Ngữ văn 2019 có độ phân hóa đủ để các trường Đại học tuyển sinh. Tuy nhiên, dễ gây "học tủ".

Đề thi phân hóa, đủ để các trường ĐH tuyển sinh

Chia sẻ với KH&ĐS, đánh giá về đề thi THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2019, cô giáo, ThS Nguyễn Tuyết Nhung, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, đề thi rất vừa sức, nhẹ nhàng, có tính phân hóa cao, theo đúng cấu trúc 2 phần ĐỌC HIỂU (3đ) và LÀM VĂN (7đ) đã công bố từ trước của Bộ GD&ĐT

Phần ĐỌC HIỂU trích nguồn là đoạn đầu trong bài thơ “Trước biển” của nhà thơ Vũ Quần Phương in trong tuyển tập “Thơ Việt Nam 1945 - 1975”, NXB Văn học xuất bản 1985.

Đề thi THPT QG môn Ngữ văn năm 2019.

Đề thi THPT QG môn Ngữ văn năm 2019.

Việt Nam là đất nước ven biển, cuộc sống của người dân và lịch sử giữ nước của cha ông luôn gắn với biển. Đề tài thơ về biển dễ chạm tới cảm xúc thiêng liêng trong tâm thức người dân Việt Nam và khơi gợi cảm xúc với học sinh THPT - thế hệ trẻ tương lai của đất nước.

Bốn câu hỏi ĐỌC HIỂU được cấu trúc theo “ma trận” từ Nhận biết - Thông hiểu - Vận dụng (thấp và cao) đã kiểm tra được năng lực của học sinh ở các nội dung kiến thức như: nhận diện thể thơ (thể thơ tự do); cách hiểu nội dung các câu thơ (nghĩa tường minh và hàm ẩn); hiệu quả tu từ của phép điệp trong các dòng thơ.

Đặc biệt câu 4 là một câu hỏi mở gợi rất nhiều cảm xúc và suy ngẫm. Thí sinh được thoải mái bày tỏ quan điểm của mình về niềm tự hào trước hành trình nhọc nhằn, gian lao mà vinh quang và thiêng liêng của các thế hệ cha ông trong việc chinh phục thiên nhiên và bảo vệ chủ quyền toàn vẹn của Quốc gia.

Phần LÀM VĂN (7đ): Câu 1 yêu cầu viết đoạn văn cũng khá nhẹ nhàng. Thí sinh cần tập trung triển khai nội dung về “sức mạnh ý chí con người trong cuộc sống”. Đây cũng là nội dung có tính phân hoá năng lực thí sinh trong việc tạo dựng đoạn văn 200 chữ.

Yêu cầu hàm súc, cô đọng, nhưng vẫn thể hiện được những hiểu biết về sức mạnh  của ý chí con người đã làm nên những thành tựu to lớn như thế nào trong thực tế xã hội.

Câu 2 Nghị luận văn học (NLXH) về hình tượng sông Hương trong đoạn văn miêu tả sông Hương ở Thượng nguồn, trong mối quan hệ với dãy Trường Sơn. Đây là đoạn văn rất giàu cảm xúc và chất thơ, khơi gợi nhiều xúc cảm thẩm mĩ ấn tượng với người đọc.

Lệnh thứ 2 trong đề mang tính nâng cao để kiểm tra khả năng cảm thụ, về phát hiện độc đáo của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng như đánh giá nâng cao về cái Tôi tác giả thể hiện trong đoạn trích.

Nhìn chung, với tính chất là một đề thi THPT QG thì đây là một đề thi vừa sức; nguồn đọc hiểu mới lạ, sâu sắc; vấn đề NL vừa quen thuộc vừa mới lạ.

Đề thi không đánh đố, có tính phân hoá cao với thí sinh, đánh giá được năng lực Ngữ văn rất tốt ở người học. Với đề thi này HS rất hào hứng, làm bài tốt để tạo tâm thế thoải mái  cho các bài thi tiếp theo.

Đề thi dễ gây "học tủ"

Các phụ huynh chờ đón con trong buổi thi môn Ngữ văn tại Điểm thi trường THPT Amsterdam, Hà Nội. Ảnh: Mai Loan

Các phụ huynh chờ đón con trong buổi thi môn Ngữ văn tại Điểm thi trường THPT Amsterdam, Hà Nội. Ảnh: Mai Loan

Trao đổi với PV KH&ĐS về đề thi THPT Quốc gia 2019 môn Ngữ văn, cô giáo Thạch Thảo, Trường THPT Cầu Giấy, Hà Nội, Hà Nội đánh giá, Đề thi có cấu trúc tương tự như cấu trúc của Đề tham khảo công bố 6/12/2018.

Đề gồm hai phần: Phần một là phần ĐỌC HIỂU gồm 4 câu hỏi với số điểm là 3,0; phần hai là phần LÀM VĂN gồm hai câu.

Trong đó câu 1 yêu cầu viết đoạn nghị luận xã hội và câu 2 yêu cầu viết bài văn nghị luận văn học với số điểm là 7,0. Đây là năm thứ sáu đề thi được soạn thảo theo cấu trúc này tính từ kì thi tốt nghiệp năm 2014 cho đến nay.

Đối với phần ĐỌC HIỂU, ngữ liệu được trích từ hai khổ thơ đầu trong bài thơ 9 khổ “Trước biển” của nhà thơ Vũ Quần Phương. Đây là một bài thơ có nhiều lớp nội dung và đặc sắc về nghệ thuật đủ để đặt ra các câu hỏi kiểm tra năng lực đọc hiểu của thí sinh.

Phần ĐỌC HIỂU với 4 câu hỏi được sắp xếp theo các thang bậc nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao.

Câu 1 yêu cầu học sinh “nhận biết” được thể thơ tự do của bài thơ/đoạn trích thơ. Câu 2 yêu cầu học sinh trình bày được khả năng “thông hiểu” về nội dung của hai dòng thơ có chứa nhiều hàm ý.

Câu 3 yêu cầu học sinh chỉ ra được hiệu quả của phép điệp ở 4 dòng thơ cuối của khổ 1. Đây là câu kiểm tra kĩ năng vận dụng lí thuyết về các biện pháp tu từ vào một đoạn thơ cụ thể. Câu 4 là câu vận dụng nâng cao vì học sinh cần bày tỏ được suy nghĩ của mình dựa trên việc hiểu được nội dung của đoạn thơ.

Đối với phần LÀM VĂN, câu 1 yêu cầu học sinh viết một đoạn văn khoảng 200 chữ, bàn về sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống. Đây là một câu hỏi phù hợp với tính chất của kì thi THPT.

Câu 2 trong phần LÀM VĂN yêu cầu học sinh viết bài văn nghị luận văn học trình bày cảm nhận của mình về hình tượng sông Hương chặng thượng nguồn trong bài kí Ai đã đặt tên cho dòng sông? của Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Câu này còn có một yêu cầu mang tính chất phân loại thí sinh, đó là nhận xét cách nhìn mang tính phát hiện của tác giả về dòng sông. Tác phẩm được lựa chọn nằm chương trình chính khóa.

Ứng với "ma trận" của đề thi, câu này có thời lượng làm bài khoảng 70 phút nên chọn đoạn văn bản trên là phù hợp.

Theo cô Thạch Thảo, đề văn trên phù hợp với tính chất của kì thi THPT Quốc gia và có độ phân hóa đủ để các trường Đại học tuyển sinh. Thời lượng 120 phút cho đề văn trên là phù hợp. Các nội dung yêu cầu đều nhẹ nhàng.

Tuy nhiên, theo cô Thạch Thảo, đề thi cũng có một vài vấn đề cần quan tâm xem xét. Phần ĐỌC HIỂU, cách đặt câu hỏi ở câu 3 dễ dẫn đến sự tranh luận ở các hội đồng chấm thi về việc học sinh có cần chỉ ra cụ thể phép điệp trong đoạn thơ, sau đó mới phân tích hiệu quả của phép điệp?    

Phần LÀM VĂN, câu 1 với cụm từ “sức mạnh ý chí của con người” chưa thực sự thoát ý.

Đặc biệt, so với các môn thi trắc nghiệm, môn Ngữ văn đang có một hạn chế rất lớn,  đó là trong chương trình các em học nhiều tác phẩm, nhưng khi thi lại chỉ thi vào một tác phẩm. Vì thế mới có tình trạng dạy tủ, trúng tủ, lệch tủ, đoán đề, lộ đề…

Để tránh tình trạng đó, theo cô Thảo, nên thay phần ĐỌC HIỂU bằng trắc nghiệm thì sẽ đánh giá được chính xác hơn kiến thức của học sinh.

Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top