Dễ mang bệnh vì dùng dầu ăn không đúng cách

Dầu ăn là thành phần không thể thiếu trong căn bếp của mỗi gia đình để tăng hương vị cho các món ăn. Tuy nhiên nó lại gây ra mối đe dọa không tốt cho sức khỏe khi chúng ta sử dụng một cách kém khoa học.

Bên cạnh các loại gia vị như mắm, muối, bột ngọt... thì dầu ăn cũng là một nguyên liệu không thể thiếu để làm nên các bữa ăn ngon. Dầu ăn có vai trò như một dung môi của các vitamin tan trong dầu, mỡ như vitamin A,D, E, K. Chúng cung cấp các axit béo thiết yếu để cơ thể tăng trưởng, da mịn màng, ít viêm nhiễm và hoàn thiện chức năng sinh sản tốt hơn...

Dễ mang bệnh vì dùng dầu ăn không đúng cách ảnh 1

Dễ mang bệnh vì dùng dầu ăn không đúng cách

Dùng dầu ở nhiệt độ cao

Một sai lầm "chết người" mà rất nhiều người mắc phải là cho dầu vào nồi rồi chờ tới khi dầu ăn sôi và bốc khói mới cho thức ăn vào chế biến. Nhiệt độ cao không những làm ảnh hưởng, phá vỡ chất dinh dưỡng có trong dầu ăn và còn sản sinh ra các chất độc là nguyên nhân dẫn tới căn bệnh ung thư.

Các nhà khoa học cho rằng, dầu ăn khi đun nóng trên 180 độ C sẽ khiến dầu biến chất sinh ra các chất độc hại. Cụ thể, khi bị ra nhiệt quá cao (đun nấu ở nhiệt độ cao), các chất axit béo trong dầu thực vật sẽ bị rối loạn cấu trúc tế bào, có thể gây đột biến gen. Chúng có thể tạo ra các amin sinh vật dẫn đến nguy cơ gây ung thư, đặc biệt là ung thư trực tràng, ung thư gan, phổi, vú. Ngoài ra chúng còn có nguy cơ làm giảm miễn dịch của cơ thể do làm dư thừa lipid...

Để an toàn, có thể dùng chảo hay nồi để trên bếp cho tới khi nóng già rồi mới đổ dầu vào và chế biến. Nhận biết nhiệt độ dầu qua cảm quan bằng cách dầu càng sôi lâu thì nhiệt độ càng tăng.

Sử dụng dầu ăn chiên lại nhiều lần

Vì tiếc rẻ dầu ăn mà nhiều người thường có thói quen giữ lại dầu ăn chiên đi chiên lại nhiều lần. Tuy nhiên, cách làm này hoàn toàn không tốt cho sức khỏe.

Dầu ăn chiên đi chiên lại sẽ làm giảm giá trị của dầu, phá hủy các vitamin có trong dầu. Hơn nữa, sau khi nấu ở nhiệt độ cao trong thời gian dài, trong dầu ăn rất dễ sản sinh ra transfat – một chất có hại cho sức khỏe, aldehyde, fatty acid oxide...

Không chỉ vậy, những chất này khi đi vào cơ thể sẽ phá hủy các men tiêu hóa làm khó tiêu, đau bụng, tiêu chảy, các bệnh lý tim mạch, ung thư… Vì thế, khi nấu ăn, các bà nội trợ cần cân đối lượng dầu mỡ phù hợp tránh lãng phí và không dùng lại dầu, mỡ thừa.

Sử dụng dầu ăn hoàn toàn thay cho mỡ

Một trong những sai lầm khác khi sử dụng dầu ăn mà bạn thường gặp phải là sử dụng dầu ăn thay thế hoàn toàn cho mỡ, điều này có thể làm giảm lượng dưỡng chất hấp thu vào cơ thể bạn.

Tốt nhất để đảm bảo cho sức khỏe bạn nên dùng cả mỡ động vật cùng với dầu ăn khi chế biến món ăn, hầu hết những loại mỡ động vật này có nhiều công dụng cực tốt đối với cơ thể của bạn, làm cơ xương trong cơ thể trơn tru hơn nhiều, cung cấp thêm các lipid tạo thành các bộ phận trong cơ thể bạn.

Sử dụng mỡ động vật cùng với dầu ăn khi chế biến món ăn còn có thể cung cấp thêm hàm lượng cholesterol cho cơ thể bạn, dầu thực vật cũng cung cấp thêm các axit béo không no như omega3 cùng với omega 6 tốt cho sức khỏe.

Đây cũng là lý do bạn nên dùng dầu thực vật cùng mỡ động vật song song trong nấu ăn, tuy nhiên với những người có hàm lượng cholesterol cao và bị béo phì , người có nguy cơ bị huyết áp, xơ vữa động mạch hoặc có biểu hiện mắc tim mạch, tiểu đường thì chỉ nên dùng dầu thực vật.

Dầu ăn để lâu

Nhiều người mua dầu ăn dạng thùng để tiết kiệm và tiện dụng (sẵn có mỗi khi hết), nhưng bạn có biết ăn dầu cất trữ trong thời gian dài có hại cho sức khỏe? Sau khi dầu ăn tiếp xúc với không khí, nó sẽ sản sinh ra peroxit, thậm chí phát triển nấm mốc, tạo ra aflatoxin - chất gây ung thư mạnh cho cơ thể con người. Vì vậy, không nên tiêu thụ dầu đã để lâu. Dầu ăn sau khi được mở nắp (chai/can dầu) và tiếp xúc với không khí chỉ nên tiêu thụ trong tối đa là 3 tháng.

Bên cạnh đó, nhiều người quen đặt một nồi dầu nhỏ cạnh bếp, rất dễ sử dụng. Dầu khi được múc ra sử dụng có thể bị chảy xuống, bám lên mặt ngoài của nồi dầu, đặc biệt là dưới đáy nồi. Lâu ngày, lượng dầu bám bên ngoài sẽ dễ bị ôi thiu, một khi nồi dầu được bắc lên bếp đun tạo ra khói dầu chứa nhiều chất gây ung thư khủng khiếp, trong đó đáng sợ nhất là glycidaldehyde.

Cách sử dụng dầu tốt cho sức khỏe

Nên sử dụng bình thủy tinh hoặc gốm để đựng dầu vì chúng ổn định hơn. Hạn chế đựng dầu trong can, chai nhựa vì chất dẻo có thể hòa tan trong dầu ăn. Đặc biệt trong môi trường nhiệt độ cao, chất hóa dẻo sẽ có độc tính mãn tính, thậm chí gây ung thư.

Mua một chai dầu nhỏ, đủ dùng: Nếu nhà không có nhiều người ăn thì không nên mua một thùng dầu lớn, dầu không thể dự trữ được lâu, nó được để hở càng lâu thì khả năng hư hỏng càng lớn. Dầu không sinh vi khuẩn nhưng rất "sợ" bị oxy hóa. Quá trình oxy hóa lipid trong dầu không chỉ làm giảm giá trị dinh dưỡng của dầu, phá hủy các axit béo không bão hòa, mà còn đẩy nhanh quá trình lão hóa của con người do sản sinh lượng lớn các gốc tự do khi tiêu thụ.

Theo Đời sống
back to top